Ảnh: Congngheviet
Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng thu hẹp
Như bất cứ buổi sáng nào, hàng ngàn công nhân liên tục ra vào từ những cánh cổng khổng lồ tại Foxconn Zhengzhou Science Park, khu tổ hợp nhà máy của Foxconn có diện tích 1,4 triệu m2 ở trung tâm thành phố Hà Nam, Trung Quốc. Nhưng vào thứ Ba tuần qua, chỉ có một cán bộ hải quan đứng gác tại các cánh cổng. Khi giới quan chức Trung Quốc đang vội vã lo kiềm chế đợt bùng phát virus corona chủng mới, các nhà máy này - vốn là trái tim của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu - đã được phát lệnh phải đóng cửa cho đến ngày 10.2.2020 và có thể sẽ kéo dài nếu tình hình khó kiểm soát.
Đó là lý do khiến cho các nhà điều hành Apple đứng ngồi không yên. Nếu Foxconn không thể khôi phục sản xuất vào ngày 10.2.2020, Apple sẽ phải hoãn lại việc tung ra chiếc iPhone kế tiếp (dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 3) thêm nhiều tuần nữa, theo Don Yew, chuyên gia phân tích tại Morningstar ở Singapore.
Với mức độ phụ thuộc quá lớn vào các mạng lưới sản xuất tại Trung Quốc, ngành công nghệ là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng. “Vì các tỉnh đang bị lây nhiễm có Chiết Giang, Quảng Đông và Hà Nam, vốn rất quan trọng đối ngành sản xuất công nghệ thế giới, nên đây là một vấn đề rất lớn”, Don Yew cho biết.
Foxconn có những nhà máy lớn tại hơn 10 địa phương khác ở Trung Quốc và các hãng công nghệ toàn cầu trong đó có Apple, Huawei hay Samsung đều có rất nhiều đối tác sản xuất khác như Pegatron và Wistron. Nhưng phần lớn công suất sản xuất này lại nằm ở những khu vực cũng chịu giới nghiêm như Hà Nam. Cho dù các công ty có muốn chuyển đơn hàng sang các nơi khác, thì cũng sẽ phải mất nhiều tháng trời.
Với tình hình dịch bệnh ngày càng khó lường, “không rõ khi nào công ty tái sản xuất và liệu chúng tôi còn có thể quay trở lại nơi làm việc”, Li Yi, một nhân viên của Biel Crystal, nhà cung cấp màn hình cho iPhone (trụ sở tại Hồng Kông), than thở.
Không chỉ Apple, Samsung hay Huawei, các doanh nghiệp trên khắp thế giới đã khuyến cáo bùng nổ dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra có thể làm gián đoạn các chuỗi cung ứng hoặc làm sụt giảm lợi nhuận khi nhiều nhà máy và cửa hàng đều đóng cửa, còn ngành hàng không đã hoãn nhiều chuyến bay.
Hãng thời trang H&M cho biết việc đóng cửa các cơ sở tại Trung Quốc (khoảng 45 cửa hàng) đã khiến doanh số tháng 1 bị sụt giảm. Tata Motors cũng dự kiến cơn bùng phát dịch corona sẽ hoãn hoạt động sản xuất ở Trung Quốc và ảnh hưởng đến lợi nhuận. Levi Strauss đã đóng cửa khoảng phân nửa số cửa hàng tại Trung Quốc và dự báo kết quả kinh doanh sắp tới sẽ sụt giảm. Starbucks đã đóng cửa hơn 50% trong số xấp xỉ 4.300 cửa hàng tại thị trường Trung Quốc, vốn chiếm 10% tổng doanh thu của chuỗi cửa hàng cà phê này.
McDonald’s cũng đã đóng cửa vài trăm trong số gần 3.300 cửa hàng tại Trung Quốc và cho biết tác động lên tổng lợi nhuận sẽ “tương đối nhỏ” nếu cơn bùng phát vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi Trung Quốc. Tuy nhiên, Remy Cointreau thì khuyến cáo tác động đối với Công ty sẽ rất lớn do sự lệ thuộc quá nhiều vào thị trường này.
Ngành hàng không cũng là một tâm điểm. Hàng loạt chuyến bay đã bị hủy bỏ. Lưu lượng hành khách đi lại còn thấp hơn khoảng 35% so với thời điểm tồi tệ nhất trong đợt bùng nổ dịch SARS (năm 2003) đối với các hãng hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo IATA. Tính cả năm 2003, IATA ước tính SARS đã gây tổn thất cho các hãng hàng không này tới 8% tổng doanh thu, tức xấp xỉ 6 tỉ USD vào thời điểm đó.
Tất cả những điều này cho thấy sức ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là không nhỏ. Các chuyên gia kinh tế thậm chí cho rằng thế giới có thể sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái toàn cầu do Trung Quốc dẫn dắt. Điều này cũng là dễ hiểu khi Trung Quốc hiện chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế thế giới, một tỉ lệ lớn hơn cả Mỹ, châu Âu và Nhật cộng lại. Andy Rothman, chiến lược gia về đầu tư tại Matthews Asia, nhận xét: “Người tiêu dùng Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019” cũng giống như nhiều năm trước đó.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ngành nhà hàng, khách sạn, du lịch, lữ hành và bán lẻ... đều bị tác động nghiêm trọng bởi trận dịch corona. Khách du lịch Trung Quốc đặc biệt “có giá” vì họ thường lưu trú lâu hơn và chi tiêu hào phóng hơn những khách đến từ các nước khác. Tại Mỹ, chẳng hạn, họ cư trú trung bình 18 ngày và chi ra 7.000USD mỗi lần ghé thăm vào năm ngoái, theo báo cáo của 13D Global Strategy & Research. Goldman Sachs ước tính tăng trưởng năm 2020 tại Trung Quốc sẽ bị bốc hơi 0,4 điểm phần trăm và kinh tế Mỹ cũng chịu ảnh hưởng tương tự trong quý I năm nay.
Nhiều người lạc quan cho rằng trong suốt đợt bùng nổ dịch SARS năm 2003, tăng trưởng Trung Quốc chỉ giảm nhẹ rồi nhanh chóng bứt phá lên 10%. Nhưng vào thời điểm đó, Trung Quốc chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu, so với mức 16% hiện nay. Khi ấy, chi tiêu tiêu dùng cũng không phát triển và du lịch Trung Quốc chủ yếu là trong nước. Nói cách khác, “tác động tiêu cực lên tăng trưởng toàn cầu có thể cao hơn so với năm 2003”, báo cáo ING nhận định.
Hiện tại số ca nhiễm virus corona chủng mới đã vượt qua số ca nhiễm SARS năm 2003 và đang ngày càng tăng lên. Tính đến 6 giờ sáng ngày 6.2.2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc xác nhận số ca nhiễm virus corona mới đã vượt quá 28.000, số người tử vong đã lên con số 565 tính trên toàn thế giới. Với diễn biến phức tạp này, giới doanh nghiệp đang đối mặt với những quyết định khó khăn. “Họ đang lo ngại. Rất khó mà lên kế hoạch khi chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra”, Dan Harris, luật sư tại Seattle có các khách hàng đang làm ăn tại Trung Quốc, nhận định.
Muốn tìm kiếm giải pháp thay thế cho các nhà cung cấp Trung Quốc cũng không hề dễ dàng và cũng không thể sớm thực hiện trong thời gian ngắn, đó là điều mà các công ty đã hiểu rõ từ sau những nỗ lực tránh né thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia lại thiếu những đặc điểm tổng hợp mà Trung Quốc có được, đó là các nhà cung cấp hội đủ tiêu chuẩn, lực lượng công nhân được đào tào tốt và hệ thống logistics hiện đại. “Nếu virus corona chủng mới không được kiểm soát trong vòng vài tuần tới, một số công ty sẽ phải phá sản”, Dan Harris dự báo.
Các mức thuế quan của Mỹ đã buộc nhiều doanh nghiệp phải lo tìm kiếm các nhà cung ứng thay thế, theo Jake Parker, Phó Chủ tịch cấp cao Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung. Đối mặt với sức ép thuế quan vẫn chưa chấm dứt, trận dịch corona càng thúc giục các doanh nghiệp “phải mau chóng tìm cách thoát khỏi rủi ro quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, Parker nói.
Nguồn Tổng hợp