Công ty 'thây ma' đe dọa ngành ngân hàng Hàn Quốc
Cách đây vài năm, tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) còn đang đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử tập đoàn, và hân hoan khánh thành tòa nhà chọc trời 72 tầng tại Hà Nội.
Giờ đây, tòa nhà cao thứ nhì Đông Nam Á này đang bị rao bán. Còn tại Hàn Quốc, vào tháng 4 vừa rồi cổ phiếu của Keangnam đã bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán, sau khi tập đoàn nộp đơn xin phá sản.
Keangnam hiện đang trong tình trạng có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thấp hơn cả chi phí lãi vay. Những công ty như vậy đang ngày một gia tăng tại Hàn Quốc khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này đang dần chậm lại. Hãng xếp hạng tín dụng Moody's nhận định rằng điều này đặt ra hiểm họa nợ xấu cho những tổ chức tín dụng tại Hàn Quốc. Các khoản vay từ các doanh nghiệp trong ngành đóng tàu, luyện kim hay xuất nhập khẩu đang đặt ra mối đe dọa lớn nhất cho hệ thống ngân hàng tại Hàn Quốc, Moody's cho biết thêm.
Số công ty tại Hàn Quốc có lợi nhuận bị thu hẹp do chi phí lãi vay cao (còn gọi là công ty 'cận biên') đã tăng liên tiếp trong ba năm liền, lên 3.295 công ty trong năm 2014, theo số liệu của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK). Như vậy, các công ty 'thây ma' này đang chiếm 15,2% tổng số công ty của Hàn Quốc, so với mức 12,8% của năm 2009.
Mặc dù vậy, BOK cho biết vài công ty trong số đó có thể vẫn sẽ tồn tại được bằng cách tận dụng mức lãi suất vay thấp hiện nay để kéo dài sự tồn tại. Mới đây, BOK đã cắt giảm lãi suất xuống mức kỷ lục, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm nay xuống còn 2,8%.
Jeong Dae Hee, chuyên viên kinh tế vĩ mô tại Viện Phát triển Hàn Quốc cho biết: "Những công ty 'thây ma' này đang ngày một gia tăng, với nguyên nhân chính là do công cuộc tái cơ cấu đã bị trì hoãn. Điều này có thể sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn".
Từ vụ tự sát của chủ tịch Keangnam...
Ông Sung Wan Jong, cố Chủ tịch tập đoàn Keangnam, đã tự vẫn vào tháng 4 năm nay, để lại một tờ giấy viết tay cùng một bài phỏng vấn với một tờ báo địa phương. Trong đó, ông đã đề cập chi tiết danh tính cũng như số tiền đã hối lộ cho các chính trị gia. Danh sách này bao gồm cả cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Wan-koo. Mặc dù ông Lee Wan-koo đã từ chối cáo buộc này, nhưng ông cũng đã tuyên bố từ chức trong tháng 4 vừa qua.
Theo số liệu tài chính, trong năm 2014, Keangnam đã thua lỗ khoảng 217 triệu USD sau khi lỗ 243 triệu USD năm 2013. Chi phí lãi vay của Keangnam cũng đã lên đến 119 triệu USD vào năm ngoái và 102 triệu USD trong năm 2013.
Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Ssangyong, vốn là nhà thầu dự án khách sạn Marina Bay Sands tại Singapore, cũng là một công ty 'cận biên'. Tháng 3 vừa rồi, Ssangyong đã được một quỹ đầu tư từ Dubai mua lại, sau khi nộp đơn xin phá sản năm 2013.
Ngoài ra, vào ngày 9/7 thì công ty Xây dựng Sambo cho biết đã thất bại trong việc chào bán khách sạn Renaissance Seoul để trả nợ vì không thể chấp nhận các yêu cầu từ phía đấu thầu. Cổ phiếu của Sambo đã tăng 4,2% sau thông tin này.
...đến mối hiểm họa cho ngành ngân hàng
Bu Sang Don, một nhà kinh tế học của BOK, cho biết hiện tại mức nợ xấu của các ngân hàng tại Hàn Quốc "vẫn chưa ở tình trạng tồi tệ". Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng với sự gia tăng số lượng các công ty 'cận biên' có thể gây rủi ro lớn các ngân hàng.
Trong một tuyên bố vào cuối tháng 5, Dịch vụ Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS) cho biết nợ xấu của các ngân hàng Hàn Quốc trong quý I/2015 vào khoảng 4,4 nghìn tỷ won (3,8 tỷ USD), giảm một phần ba so với quý IV/2014. Cũng theo FSS, tỷ lệ nợ không thanh toán được đã chạm mức 1,56% trong quý I/2015.
Các khoản cho vay rủi ro nhất của bảy tổ chức tín dụng lớn nhất Hàn Quốc chủ yếu đến từ các công ty trong ngành xuất nhập khẩu, đóng tàu, nhà thầu xây dựng và các công ty luyện kim. Moody's cho biết những khoản vay này chiếm đến 12% giá trị sổ sách của bảy ngân hàng trên. Với những ngân hàng được nhà nước hỗ trợ như Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Hàn Quốc và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.
Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm
Mặc dù BOK đã có bốn lần cắt giảm lãi suất từ tháng 8 năm ngoái, nhưng Moody's không kỳ vọng sự cải thiện đáng kể nào trong khả năng thu hồi nợ từ các công ty 'cận biên'. Theo Sophia Lee, chuyên gia phân tích của Moody's, doanh thu và lợi nhuận của các công ty này cũng đang trên đà đi xuống nên việc họ có khả năng thanh toán được là rất khó khăn.
Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg, tổng nợ của các công ty lớn nằm trong nhóm chỉ số Kospi đã tăng 22% trong vòng 3 năm qua, lên đến 1.132 nghìn tỷ won (xấp xỉ 984 tỷ USD).
BOK cũng cho biết đang có tới 14,8% công ty trong nhóm Kospi có lợi nhuận bị thu hẹp dần do chi phí vay nợ, tăng hơn gấp rưỡi so với tỷ lệ 9,3% năm 2009. Đây là mức gia tăng nhanh hơn rất nhiều so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lee Ji Eun, chuyên viên nghiên cứu cao cấp Viện Tài chính Hàn Quốc cho biết: "Đúng ra sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ thì nhiều công ty đã phải bắt đầu tái cấu trúc lại. Nhưng với thanh khoản dồi dào từ động thái nới lỏng tiền tệ khắp toàn cầu, công cuộc tái cấu trúc đã bị trì hoãn. Điều này dẫn đến việc các công ty 'cận biên' ngày một gia tăng, nhất là trong nhóm các công ty lớn, và đây là một tin rất xấu".
Trường Văn
Nguồn Bloomberg