The Business Journal
Công suất dự phòng: Bí ẩn lớn nhất của thị trường dầu mỏ
Chính quyền Trump hiện đang nhắm đến cấm vận công nghiệp dầu mỏ Iran, với sản lượng lên đến 2,5 triệu thùng / ngày, vậy thị trường dầu mỏ phải làm thế nào để đối phó? Liệu có đủ nguồn cung để bù đắp cho sản lượng bị thiếu hụt không?
Hiện nay, đang có nhiều tranh cãi về vấn đề năng suất dự phòng thật sự của dầu mỏ thế giới là bao nhiêu? Nói chính xác hơn, có nhiều phỏng đoán về quy mô thặng dư của công nghiệp dầu Ả rập Xê út, quốc gia duy nhất có khả năng cung cấp một lượng dầu lớn trong thời gian ngắn nhất.
Ả rập Xê út tuyên bố rằng nước này có khả năng sản xuất tới 12,5 triệu thùng dầu / ngày nếu thật sự cần thiết. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa được kiểm chứng. Sản lượng cao nhất từ trước tới nay của quốc gia Trung Đông này là hơn 10,7 triệu thùng / ngày năm 2016, ngay trước khi nước này hỗ trợ các nước thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC+) xây dựng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày như Tổng thống Trump yêu cầu là một nhiệm vụ khó khăn. “Lịch sử gần đây cho thấy Ả rập Xê út chưa bao giờ có thể sản xuất trung bình hơn 10,6 triệu thùng/ngày quá một tháng. "Trong giai đoạn gần đây, chúng tôi quan sát sát được dự trữ dầu của nước này đã có sự sụt giảm lớn.”, trích trong một báo cáo của Công ty quản lý tài chính Merrill Lynch thuộc Ngân hàng Bank of America.
Báo cáo này cũng lý luận rằng có rất nhiều nguyên nhân để đặt dấu chấm hỏi về việc Ả rập Xê út vẫn còn khả năng sản xuất thêm 2 triệu thùng dầu / ngày. “Do đó, thị trường dầu có rất ít tự tin vào việc có thể dễ dàng thay thế sản lượng bị thiếu hụt 2 triệu thùng / ngày của Iran.”, báo cáo này cho biết thêm.
Sản lượng dầu của 10 nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong năm 2017. Ảnh: Focus-Economics |
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự tính tổng năng suất dự phòng của toàn thế giới có thể đưa vào khai thác ngay là vào khoảng 1,1 triệu thùng / ngày. Nếu tính rộng hơn, kể cả năng suất dự phòng của các nguồn chỉ có thể đưa vào khai thác sau vài tháng nữa thì con số này có thể lên đến 3,4 triệu thùng / ngày. Trong đó 60% là từ Ả rập Xê út, các nguồn cung nhỏ hơn đến từ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Kuwait, Iraq và Nga.
Vấn đề ở đây là Ả rập Xê út đã phải tăng sản lượng để bù đắp cho sự thiếu hụt của những nơi khác. Trong tháng 6, nước này đã tăng sản lượng thêm 500.000 thùng, đạt mức 10,5 triệu thùng / ngày để bù đắp cho sản lượng bị tụt giảm tại Libya, Angola và Venezuela. Nói cách khác, nước này có năng suất dự trữ là 2,5 triệu thùng vào đầu tháng 6, đã dùng hết nửa triệu thùng, nhưng do sản lượng sụt giảm ở những nơi khác nên tổng sản lượng của thị trường là không thay đổi.
Các báo cáo cho thấy sản lượng của Ả rập Xê út có thể lên đến 11 triệu thùng / ngày trong tháng 7, có nghĩa là sản lượng dự trữ chỉ còn khoảng 1,5 triệu thùng / ngày. Nhưng sản lượng của Libya và Venezuela vẫn tiếp tục sụt giảm sẽ khiến khoản tăng thêm này bị dùng hết.
Điều đó có nghĩa là dù nước này đã dùng hết hai phần ba năng suất dự phòng của nước này nhưng thực chất thị trường vẫn không tăng sản lượng chút nào. Và đây là tình huống hiện chúng ta vẫn chưa lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Iran. Nếu nguồn cung 2,5 triệu thùn /ngày từ Iran bị cắt đứt, giá dầu trên lý thuyết có thể tăng thêm tới 50 USD/thùng, theo dự đoán của công ty Merrill Lynch.
Kịch bản khó lường
Một kịch bản nghiêm trọng có thể xảy ra là Ả rập Xê út không có năng suất dự phòng là 2 triệu thùng/ngày như nước này đã tuyên bố, hoặc lượng dự phòng này không thể đưa vào khai thác ngay lập tức. Một số nhà phân tích cho rằng để có năng suất 12,5 triệu thùng / ngày thì cần phải khoan thêm, và để làm được cần mất nhiều tháng nữa. Cuối cùng Ả rập Xê út sẽ không thể lấp chỗ trống của Iran, và giá dầu sẽ bị đẩy lên rất cao.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan như thế. Ngân hàng Barclays cho rằng năng suất dự phòng của thế giới thực chất cao hơn từ 1 đến 1,5 triệu thùng so với mọi người nghĩ. Ngân hàng này thừa nhận rằng tình trạng ngày càng tồi tệ ở Libya, kết hợp với khả năng sụt giảm nguồn cung từ Iran đã đặt thị trường dầu vào thế kẹt.
“Tuy nhiên, những tình huống này không hoàn toàn chắc chắn sẽ xảy ra. Lúc này, chúng tôi tin rằng thị trường đã ít chú ý đến một số dấu hiệu về nguồn cầu yếu đi và nguồn cung mạnh lên, báo hiệu thị trường cán cân thị trường chuyển sang ít nhu cầu, do đó, chúng tôi vẫn giữ quan điểm giá sẽ giảm trong ngắn hạn.”, trích một báo cáo của Barclays. Ngân hàng này dự tính giá dầu vào khoảng 73 USD/thùng vào nửa cuối năm 2018 và 71 USD / thùng vào năm 2019.
Khác biệt quan trọng nhất giữa rất nhiều các quan điểm dầu sẽ tăng giá và quan điểm của Barclays là ngân hàng này tin rằng thị trường dầu vẫn ở tình trạng thực dư. Họ thừa nhận rằng thiếu hụt nghiêm trọng sản lượng từ Iran sẽ phá vỡ tình trạng này, nhưng vẫn lý luận rằng “chính phủ Mỹ sẽ thấy mình rất nhanh rơi vào tình huống bất ổn về chính trị trong năm bầu cử nếu như nhanh chóng tìm cách đưa lượng xuất khẩu dầu của Iran vào Ấn Độ và Trung Quốc về con số không”.
Bên cạnh đó, nếu tính luôn cả sản lượng nửa triệu thùng / ngày của vùng trung lập giữa biên giới Ả rập Xê út – Kuwait, vốn sẽ được tái khai thác vào năm sau, cộng thêm năng suất dự phòng từ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Nga và Ả rập Xê Út, năng suất dự phòng của cả thế giới có thể cao hơn 1,5 triệu thùng / ngày so với tính toán của IEA.
Ngoài ra, các nguồn dự trữ quốc gia cũng có thể được đem vào sử dụng. Barclays cho rằng trên lý thuyết, chính phủ các nước có thể đưa thêm 5 triệu thùng / ngày vào thị trường và có thể kéo dài đến 180 ngày mà chỉ mới dùng hết một nửa lượng dự trữ của họ. Tất nhiên, đó là một kịch bản khó xảy ra, nhưng ngân hàng này nói nó minh họa rõ lượng dầu có thể đem ra dùng trong trường hợp thật cấp bách.
Barclays có thể là một dị biệt khi có các dự báo trái chiều về giá dầu như thế. Không cần phải nói, có rất nhiều sự bất đồng về năng suất dự trữ thực sự của Ả rập Xê út. Nhưng chúng ta sẽ thực sự biết được khả năng tối đa của Ả rập Xê út một khi nguồn cung dầu từ Iran bắt đầu bị cắt giảm.