Công nhân Trung Quốc bỏ nhà máy về quê khởi nghiệp
Chiều Chủ nhật, cả khu vực rộng lớn bên ngoài nhà máy Foxconn Technology ở Gualan, Thâm Quyến vắng vẻ một cách kỳ lạ. Thông thường, vào ngày nghỉ, khu vực này khá tấp nập với dòng người công nhân đến các cửa hàng để mua sắm từ chiếu tre, quạt điện, dép tông cho đến dầu gội đầu.
Tuy nhiên, giờ đây, rất nhiều công nhân - vốn từng đổ về Thâm Quyến và các thành phố công nghiệp ở Trung Quốc để tìm việc làm - lại đang khăn gói trở về quê nhà và một trong số những địa danh đó là làng Binghuacun - dân số khoảng 968 người, tỉnh Quý Châu, cách Thâm Quyến 670 km.
18 tuổi, Mo Wangqing rời Binghuacun đến làm việc tại nhiều nhà máy ở khu vực duyên hải, từ sản xuất linh kiện điện tử đến vách tường. Một năm trước, Mo, giờ 36 tuổi, đã trở về làng. Công việc tại các nhà máy vùng duyên hải ngày một ít và Mo quyết định tận dụng cơ hội ngay tại quê nhà.
“Tôi cũng muốn khởi nghiệp (một trang trại nuôi cá). Nước ở Quý Châu sạch và trong hơn rất nhiều”, Mo Wangqing cho biết. |
Chính sách thúc đẩy phát triển khu vực nội địa của Trung Quốc đã giúp Quý Châu có được hệ thống đường sắt cao tốc và đường cao tốc, giúp kinh tế khu vực tăng trưởng nhanh chóng.
Khi Mo thấy người dân địa phương điều hành một trang trại nuôi cá gần nhà máy nơi anh làm việc tại tỉnh Quảng Tây, "tôi đã quyết định rằng tôi cũng muốn khởi nghiệp với một trang trại tương tự. Tôi biết rằng nguồn nước ở Quý Châu sạch hơn và trong hơn so với Quảng Tây và rất phù hợp cho việc nuôi thủy sản".
Giờ đây, Mo đã có được trang trại nuôi cá của riêng mình và đang lên kế hoạch mở một nhà hàng ở Binghuacun, chuyên phục vụ các món chế biến từ cá nuôi trong trang trại của anh. Mo hi vọng du khách sẽ đổ đến nơi hoang sơ bao quanh với núi cao và sông ngòi này.
“Trước đây, chúng tôi sống nhờ vào những cánh đồng lúa, ngô, hồ tiêu và nguồn tiền người trẻ lao động xa nhà gửi về. Giờ đây, lao động xa xứ đang quay lại làng mang theo những kỹ năng mới", Mo Bochun, cán bộ làng Binghuacun chia sẻ.
Theo Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, năm 2015, số người nhập cư vào các thành phố từ vùng nông thôn tăng 0,4% lên 169 triệu người. Nhưng Tom Miller, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics trụ sở tại Bắc Kinh lại cho rằng con số này sẽ giảm trong năm 2016. Nhiều người di cư đơn giản chỉ chuyển đến các thành phố và thị trấn gần đó để sống và làm việc.
“Làn sóng lao động di cư từ nông thôn lên thành phố bắt đầu chậm lại và có thể dừng hẳn", ông Miller nói. Số liệu thống kê cho thấy năm 2015, số người di cư hồi hương là 1,2 triệu, tăng từ 520.000 người năm 2011.
Để khuyến khích người dân về quê lập nghiệp, chính quyền Quý Châu đã đưa ra chính sách hỗ trợ dành cho người hồi hương như đào tạo về kinh doanh miễn phí, miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp.
Du lịch là lĩnh vực được ưu tiên. “Bắt đầu từ đầu những năm 1980, vùng nông thôn ở Trung Quốc phát triển dựa vào ngành sản xuất và chế biến,” Sun Zhe, Chủ tịch một trang web du lịch GoHome chuyên cung cấp tour du lịch cho người thành phố tới Quý Châu để tìm hiểu cuộc sống truyền thống nơi đây, nói. “Bây giờ chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế dịch vụ và du lịch sẽ giúp vùng nông thôn Trung Quốc thay da đổi thịt".
Một khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng tại Quý Châu. |
Shi Wenjian, từng làm việc tại một nhà máy nhuộm vải tại tỉnh Chiết Giang trước khi trở về Quý Châu 2 năm trước để sống với vợ và 2 con - 5 và 7 tuổi, chia sẻ "Là dân nhập cư chẳng vui vẻ chút nào. Bạn kiếm không được nhiều tiền trong khi lại phải sống xa gia đình”.
Giờ đây, Shi nuôi gà tại tại Trung tâm Nông nghiệp sinh thái Qianlafang - trang trại chăn nuôi hữu cơ và du lịch sinh thái ở xã Luodian, cách nhà Shi 70 km, nhưng Shi cho biết "Bố mẹ tôi đều già rồi, do vậy, tôi về quê để tiện chăm sóc họ".
"Là dân nhập cư chẳng vui vẻ chút nào. Bạn kiếm không được nhiều tiền trong khi lại phải sống xa gia đình”, Shi Wenjian cho hay. |
Nhiều người di cư bắt đầu nhận ra những thứ họ phải đánh đổi khi sống xa gia đình.
Pan Guofen, 23 tuổi, quản lý đơn hàng thương mại điện tử cung cấp rau quả và thịt hữu cơ tại Qianlafang, cho biết “Tôi hiểu rõ cảm giác cô đơn khi lớn lên thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ".
Pan sống với bà của cô khi bố mẹ đi làm tại một nhà máy ở Huệ Châu, Quảng Đông, trước khi được gửi tới trường nội trú. “Tôi sẽ không bao giờ để con của mình trở thành “đứa con bị bỏ lại”, Pan chia sẻ. “Tôi sẽ tìm một công việc ở gần nơi chúng đi học”.
Pan cho biết cô không muốn các con cô sau này phải chịu cảnh sống xa bố mẹ như cô đã phải trải qua. |
Theo khảo sát của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc hồi tháng 4/2016, một nửa dân nông thôn nước này không muốn tới thành phố với những lý do như phải chăm sóc cha mẹ, con nhỏ, không quen với cuộc sống thành thị… Hai phần ba những người di cư cho biết họ đang có ý định trở về quê nhà.
Zhang Chi, 25 tuổi, làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ chơi ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, cho hay "Kế hoạch của tôi là tiết kiệm thêm tiền, khoảng một vài năm, rồi quay về quê nhà và khởi nghiệp, có thể là một cửa hàng quần áo. Khi tôi còn nhỏ, có một khoảng cách lớn giữa nơi đây và quê tôi, nhưng bây giờ không còn nữa. Cuộc sống nơi đó bây giờ cũng rất tốt”.
Chính quyền Trung Quốc cũng đưa ra những hướng dẫn, khuyến khích công dân di cư, sinh viên đại học, lính giải ngũ, khởi nghiệp trên chính quê hương mình. Các biện pháp bao gồm đơn giản hóa thủ tục thành lập công ty, giảm thuế thu nhập, thiết lập khu vực đầu tư đặc biệt cho công ty của họ.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg