Công nghiệp ô tô thế giới: Điêu đứng vì “bão thương mại”
Một trong những nạn nhân lớn nhất
Với mạng lưới rộng khắp toàn cầu, ngành ô tô vẫn luôn là ngành hứng chịu mọi “thiên tai”, đặc biệt từ thuế quan, trước các tranh chấp thương mại ngày càng leo thang. Cuối tháng 7 vừa qua, hàng loạt các nhà sản xuất đã công bố báo cáo lợi nhuận quý II/2018 đầy thất vọng, đồng thời hạ dự báo kinh doanh trong các quý sắp tới với vô vàn lý do như thuế quan áp lên hàng nhập khẩu thép vào Mỹ, thay đổi thuế quan nhập khẩu Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do tâm lý bất an…
Tất cả các lý do này đều có căn nguyên đến từ các tranh chấp thương mại đang leo thang gần đây. Giữa vô vàn thông tin bất lợi, các báo cáo lợi nhuận đầy thất vọng càng khiến giá cổ phiếu các hãng xe tụt dốc không phanh.
“Đây là những làn sóng nhỏ ban đầu mà thôi. Trận sóng thần tsunami khủng khiếp sẽ ập đến nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện và kết cục sẽ còn thê thảm hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp sẽ không nói về việc lợi nhuận bị mất đi, mà họ sẽ nói về một cuộc tái cấu trúc mang tính căn cơ”, Arndt Ellinghorst, chuyên gia phân tích ngành ô tô tại Evercore ISI, nhận định.
Max Warburton, chuyên gia phân tích tại Bernstein, cho rằng: “Ngành ô tô đang chật vật tìm hướng đi. Hầu hết các hãng xe toàn cầu đã công bố kết quả kinh doanh cho đến nay hoặc là không đáp ứng mong đợi hoặc hạ dự báo hoặc cả hai, chỉ có ngoại lệ đáng chú ý là PSA”. Điều này có một số nguyên nhân. Vào tháng 5, Trung Quốc chấp thuận hạ mức thuế quan nhập khẩu từ 25% xuống còn 15%. Mặc dù động thái này sẽ có ích cho các nhà nhập khẩu lớn trong dài hạn, nhưng tác động tức thời là hãm phanh sức tiêu thụ. Bởi người tiêu dùng Trung Quốc trì hoãn mua xe cho đến khi giá giảm cùng nhịp với mức giảm của thuế quan.
Điều đó đã buộc các hãng ô tô có lượng xe nhập khẩu lớn như Fiat Chrysler (FCA) phải giảm giá, khiến biên lợi nhuận sa sút. Không chỉ vậy, hãng xe này buộc phải giảm tốc độ nhập khẩu cho đến khi giải phóng xong lượng dự trữ còn tồn do nhu cầu chậm lại. Trong khi đó, Daimler cuối tháng 7 vừa qua cho biết các mức thuế quan áp lên ô tô được xuất từ Mỹ sang Trung Quốc đã khiến lợi nhuận của Công ty giảm mạnh từ 2,5 tỉ euro còn chỉ 1,8 tỉ euro trong quý II năm nay.
Thực vậy, ngành sản xuất ô tô vẫn luôn là một trong những nạn nhân lớn nhất của thuế quan bởi vì tính toàn cầu của ngành này (ô tô và các linh kiện, phụ tùng của nó đều được trải khắp thế giới) khiến cho ngành luôn đối mặt với rủi ro bị gián đoạn. Cùng với thuế quan và các rào cản thương mại, các hãng xe cũng phải chấp nhận sống chung với tính biến động và khó lường của các cuộc đàm phán thương mại, đặc biệt khi liên quan đến Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump đã bắt đầu phá vỡ thế cục của ngành ô tô khi ông ra sức giữ lời cam kết lúc đắc cử Tổng thống - đưa việc làm Mỹ trở về với nước Mỹ và rút khỏi các hiệp định quốc tế mà ông xem là không có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Khi bước vào các vòng đám phán hồi cuối tháng 7 với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, ông Trump đã viết lên dòng tweet rằng thuế quan “là tuyệt vời nhất!”.
Bức tranh tối màu
Bức tranh của ngành ô tô ngày càng tăm tối khi General Motors (GM), Ford, Nissan, Renault... đều đưa ra các khuyến cáo về chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Mới đây Renault cho biết giá cả nguyên vật liệu biến động rất khó lường và Công ty không thể đưa ra dự báo chính xác về tình hình giá cả nguyên vật liệu cho 6 tháng tiếp theo. “Thị trường quá biến động, mỗi khi một vị tổng thống nào đó đàm phán, giá cả nguyên vật liệu lại tăng lên hoặc giảm xuống”, Clotilde Delbos, CFO Renault, cho biết.
Nhiều nhà điều hành trong ngành lo ngại không rõ người Trung Quốc đang nhìn nhận các hãng xe, đặc biệt là các nhà sản xuất xe Mỹ, như thế nào. Mike Manley, tân CEO của FCA, cho rằng khả năng người mua Trung Quốc tẩy chay xe Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra. Còn Chuck Stevens, CFO của GM, thì nhận định, người Trung Quốc xem các doanh nghiệp Mỹ là “điều gì đó rất không chắc chắn dựa vào chiều hướng của các cuộc đàm phán thương mại”.
Bên trong nước Mỹ, các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất lớn đều bị ảnh hưởng bởi các mức thuế áp lên mặt hàng thép, vốn được ban hành nhằm ngăn thép nhập khẩu giá rẻ tràn nhập thị trường Mỹ. Thậm chí GM, Ford hay FCA, dù đã mua phần lớn lượng thép sản xuất trong nước, vẫn không tránh khỏi “tai bay vạ gió”, vì thuế quan đang đẩy giá thép sản xuất trong nước lên cao. Hyundai cho biết thuế quan sẽ là “một thảm họa nghiêm trọng”, khi đẩy cao chi phí sản xuất tới 10% và buộc những người mua xe Mỹ phải trả giá cao hơn để sở hữu một chiếc ô tô.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi biến động tỉ giá và doanh số bán sụt giảm từ đối tác Nissan, nhưng Renault đã công bố báo cáo kinh doanh đạt mong đợi và vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận cả năm. Một ngoại lệ đáng chú ý là PSA. Nhờ địa bàn hoạt động của hãng xe Pháp này chủ yếu ở châu Âu và chưa có mặt ở Mỹ, nên PSA vẫn báo cáo mức lợi nhuận kỷ lục.
Trong đó, bộ phận Peugeot và Citroën ghi nhận lợi nhuận tăng tới 30%. “Ngay giờ phút này, các doanh nghiệp không có tính toàn cầu hóa cao thì lại làm ăn tốt hơn những ai có mạng lưới toàn cầu rộng khắp”, Ellinghorst, chuyên gia phân tích tại Evercore ISI, nhận định.
Nhưng viễn cảnh tương lai của ngành ô tô chắc chắn sẽ khó mà khả quan khi các làn gió ngược có xu hướng thổi mạnh hơn.
José Asumendi, chuyên gia phân tích tại JPMorgan, nhận định: “Tất cả những thách thức - từ chi phí nguyên vật liệu cao hơn cho đến căng thẳng thương mại và các chi phí tuân thủ quy định về khí thải ra môi trường - đang tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” cho ngành ô tô. Tình hình đang rất cam go và sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy những tác động rõ nét hơn trong quý III và trong 6-9 tháng tới có thể chúng ta sẽ chứng kiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vào giai đoạn mấu chốt”.