Công nghiệp ô tô Thái Lan lao dốc
Sản lượng và doanh số giảm mạnh
Những số liệu của ngành sản xuất ô tô Thái Lan tháng 4 vừa qua là một minh chứng cho thấy sự xuống dốc của ngành này. Sản lượng giảm 25,6%, doanh số bán hàng giảm tới hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 5, Tập đoàn Tư vấn và nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting đã phải hạ thấp ước tính sản lượng xe hơi năm 2014 của Thái Lan.
Hiện, công ty này dự đoán sản lượng của “đất nước Chùa Vàng” sẽ giảm 16% (tương đương 2,1 triệu ô tô) đồng thời, ngành này sẽ cắt giảm từ 35.000 - 45.000 công nhân trong năm 2014.
Nhiều nhà phân tích có quan điểm bi quan cho rằng rất có thể “nhu cầu mua bán xe hơi của người dân sẽ không tăng trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm” - nhà phân tích cấp cao Ammar Master dự tính.
Một trong những nguyên nhân sụt giảm niềm tin tiêu dùng là do các khoản nợ gia đình (household debt) tăng cao và chương trình khuyến khích dành cho những người mới mua xe lần đầu của Chính phủ đến hồi hết hạn.
“Lúc này, người tiêu dùng không dám chi tiêu mạnh, người nông dân không đủ tiền để mua ô tô mới, đó là lý do tại sao nhu cầu mua ô tô giảm mạnh” - ông Sompong Phaoenchoke Giám đốc quản lý đến từ công ty lắp ráp ô tô Thai Rung Union Car.
Ngoài ra, ngành ô tô Thái Lan phát triển phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu nội địa chứ không dựa trên nhu cầu xuất ngoại, do vậy khi bất ổn chính trị diễn ra, sức mua sụt giảm kéo theo ngành sản xuất ngắc ngoải.
Các nhà đầu tư sẽ rút vốn
Nếu tình trạng ảm đạm tiếp tục kéo dài, lượng tiêu thụ không thể nhích tăng, nhiều hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như: Toyota Motor Corp, Nissan Motor Co and Ford Motor Co sẽ buộc phải chuyển việc sản xuất sang các cơ sở khác rẻ hơn trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Kovit Wongkolkitsilp - Chủ tịch nhóm phụ tùng ô tô thuộc Hiệp hội các ngành Công nghiệp Thái Lan (FTI) nhận định: “Trong trường hợp bất ổn chính trị còn tiếp diễn, chúng tôi e ngại rằng các nhà sản xuất có thể sẽ cắt giảm hoạt động tại Thái Lan để giảm thiểu rủi ro”.
Điển hình, Tập đoàn Honda Motor cho biết hãng này đang cân nhắc tiếp tục trì hoãn thời gian khởi động nhà máy sản xuất mới trị giá 350 triệu USD tại Thái Lan khoảng 6 tháng đến 1 năm. Toyota cũng đang cân nhắc lại khoản đầu tư 20 tỷ bath (609 triệu USD) vào Thái Lan và có thể sẽ cắt giảm sản xuất nếu tình hình chính trị tại nước này không khởi sắc.
Cuộc đảo chính tại Thái Lan có thể sẽ “kéo thụt lùi nước này 10 năm” - ông Marc Spiegel - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại hợp tác nước ngoài tại Thái Lan - tổ chức đại diện cho 29 phòng thương mại với 8.500 công ty thành viên nhận định.
Đồng thời, các nhà phân tích kinh tế Thái Lan phải thừa nhận năm nay là thời điểm cực kỳ khó, nếu không nói là không thể để Thái Lan có thể đạt được mục tiêu sản xuất 3 triệu ô tô cho tới năm 2017.
Đây là sẽ là cơ hội cho Indonesia - nơi có thị trường ô tô lớn thứ hai ASEAN; Nước này từng đặt mục tiêu soán ngôi của Thái Lan hiện đang có những bước phát triển vượt bậc với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu về dòng xe giá rẻ, thân thiện môi trường đang tăng chóng mặt. Doanh số ô tô tại Indonesia tháng 3 vừa rồi tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Toyota, Daihatsu và Mitsubishi - số liệu do Hiệp hội công nghiệp ô tô Indonesia (Gaikindo) cung cấp. Bên cạnh đó, chính phủ Indoneisa đang áp dụng chính sách ưu đãi với dòng xe giá rẻ, thân thiện với môi trường...
Theo khảo sát thị trường của Daihatsu năm ngoái, đến năm 2020 sẽ có khoảng 5 triệu hộ gia đình Indonesia có khả năng mua một chiếc xe mới, tăng gấp đôi so với năm 2010. Tuy nhiên, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này vẫn còn tồn tại một số bất cập như cơ sở hạ tầng yếu kém nguồn cung cấp điện chưa thực sự đáp ứng nhu cầu. Do đó, các nhà đầu tư vẫn đang cân nhắc thêm lựa chọn các quốc gia khác trong khu vực.
Nguồn Vietnamnet