Thứ Hai | 15/09/2014 14:05

"Cơn sốt" nhân dân tệ tại các ngân hàng trung ương

Được chấp nhận bởi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, nhân dân tệ của Trung Quốc gần như được coi là đồng tiền dự trữ giống như USD.
Các ngân hàng trung ương (NHTW) đã bắt kịp với "cơn sốt" nhân dân tệ (NDT) khi quyết định đầu tư một phần dự trữ ngoại tệ của họ vào đồng tiền này. Hiện tại, có hơn 50 NHTW trên thế giới tham gia đầu tư vào nội tệ của Trung Quốc cả trong và ngoài nước.

Xu hướng đầu tư vào NDT phát triển mạnh nhất ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ vì đây vốn là những khu vực có quan hệ giao thương và đầu tư khăng khít với Trung Quốc. Thậm chí, các NHTW ở châu Âu cũng đang rậm rịch chuyển hướng đầu tư sang NDT.

Đầu năm 2014, ngân hàng trung ương Pháp (Banque de France) tuyên bố tham gia vào thị trường NDT. Sau đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cấp hạn ngạch đầu tư 15 tỷ nhân dân tệ hồi tháng 7. Động thái của hai ngân hàng lớn này dường như đã tạo chấn động tới các NHTW trong khu vực và dấy lên làn sóng đầu tư vào NDT sau đó. Đây rõ ràng là quyết định táo bạo của khối các NHTW khi NDT hiện vẫn chưa đủ điều kiện để trở thành đồng tiền dự trữ chính thức. Tuy nhiên, "cơn sốt NDT" này lại là động lực chính cho chính phủ Trung Quốc trong quá trình quốc tế hóa nội tệ.

Mặc dù NDT chưa thể ngay lập tức vượt USD trở thành đồng tiền dự trữ phổ biến nhất nhưng hệ thống tiền tệ quốc tế trên thực tế, đang có xu hướng phân cực và trong đó, NDT ngày càng được xem là đồng tiền dự trữ và phương tiện giao dịch.

NDT - hiện là phương tiện thanh toán phổ biến thứ 7 thế giới - được dự đoán sẽ trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 4 thế giới vào năm 2020, đứng sau USD, euro và bảng Anh. Khi đó, nhiều NHTW sẽ tăng cường đầu tư vào NDT, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.

PBOC là cơ quan đóng vai trò rất lớn trong việc quốc tế hóa NDT, mở đường cho NHTW các nước tiếp cận và đầu tư trực tiếp vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng định giá băng NDT của Trung Quốc. Các nhà chức trách Trung Quốc cũng tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cho các NHTW thông qua chương trình Tổ chức đầu tư nước ngoài có chất lượng (QFII). Tại thị trường nước ngoài, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng bảo lãnh cho các NHTW tham gia đấu giá trái phiếu của nước này - đây được xem là một động thái chưa từng có ở bất kỳ quỹ đầu tư quốc gia nào.

Theo quy định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), NDT không được xem là đồng tiền dự trữ chính thức của các NHTW vì đồng tiền này vẫn bị ràng buộc bởi một số yếu tố và chưa hoàn toàn được tự do sử dụng. Năm tới, IMF sẽ xem xét vấn đề có nên đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ hay không.

Tuy nhiên, một số NHTW cho rằng, NDT đã đáp ứng được điều kiện "có thể tự do sử dụng" và tiếp tục đầu tư vào NDT cả trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ vai trò mạnh mẽ của cả khu vực công và khu vực tư nhân trong việc định hình tương lai của NDT.

Nếu IMF chấp thuận NDT là tài sản dự trữ chính thức, đây sẽ là bước ngoặt lớn trong quá trình quốc tế hóa NDT và cũng là động lực thúc đẩy nhiều NHTW tham gia vào thị trường NDT.

Tuy nhiên, nếu không thông qua, IMF có thể sẽ đặt ra một số quy định về việc báo cáo chính thức các khoản đầu tư vào NDT, nhằm đảm bảo lợi ích của NHTW các nước nhỏ và những nước đang nằm trong chương trình của IMF. Theo quy định của IMF, NHTW của các nước, trừ những nước đang tham gia chương trình của IMF, không cần phải tiết lộ thông tin chi tiết về kho dự trữ ngoại hối khi báo cáo với IMF.

Trong bối cảnh hiện tại khi NDT đang chiếm dần chiếm ưu thế trong lĩnh vực thương mại toàn cầu, các NHTW đều cho rằng cần phải đầu tư nhiều hơn vào NDT.

Nguồn Theo DVO/ Gulf Times


Sự kiện