Ảnh: CNBC

 
Quốc Ngô Thứ Tư | 16/12/2020 14:00

Cơn sốt gọi vốn doanh nghiệp

Các doanh nghiệp chưa bao giờ huy động lượng vốn lớn như năm nay.

Tháng 3 năm nay, các doanh nghiệp trên thế giới có cảm giác như đang rơi vào vực thẳm, Susie Scher nhớ lại. Thời điểm đó, Susie Scher, ở vai trò giám sát các thị trường vốn toàn cầu tại Goldman Sachs, đã chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp đổ xô tìm vốn để chống đỡ qua cơn khó khăn giữa lúc mọi hoạt động thương mại đều ngưng lại do đại dịch bùng phát. Nhiều nhà đầu tư trở nên hoảng loạn.

Xu hướng chung của thị trường thế giới khi đó là đóng băng khi ai nấy đều lo ngại trước sự lan rộng của đại dịch. Thế nhưng, trong vòng vài tuần, các thị trường bắt đầu rã đông, rồi ấm trở lại trước hàng ngàn tỉ USD giá trị các gói nới lỏng tiền tệ của chính phủ các nước nhằm ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái. Những tháng vừa qua, cơn sốt trên thị trường vốn chưa bao giờ nóng lên như thế.

Theo Refinitiv, tính từ đầu năm đến ngày 7.12 các doanh nghiệp phi tài chính trên toàn cầu đã huy động lên tới 3.600 tỉ USD từ các nhà đầu tư bên ngoài. Lượng phát hành cả trái phiếu hạng đầu tư lẫn trái phiếu rủi ro hơn đều lập kỷ lục, lần lượt là 2.400 tỉ USD và 426 tỉ USD. Tương tự, hoạt động chào bán thêm cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết cũng đạt 538 tỉ USD, tăng 70% so với năm ngoái, một sự đảo ngược so với xu hướng mua lại cổ phiếu quỹ gần đây. Boeing, chẳng hạn, đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 25 tỉ USD trong năm nay dù tương lai gần của ngành vận tải hàng không vẫn còn lơ lửng do đại dịch. 

Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng đang mấp mé mức cao mọi thời đại khi các startup hy vọng tận dụng lúc thị trường còn hào hứng định giá cao đối với công ty họ và nhà đầu tư mạo hiểm vẫn còn kiên nhẫn với các mô hình kinh doanh đang thua lỗ tại nhiều startup. Năm nay, các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót vào những startup ngôi sao của Mỹ gấp tới 3 lần so với lượng tiền huy động được từ các đợt IPO.

Cơn sốt đang lan khắp toàn cầu. Các thị trường cũng rất sôi động tại Trung Quốc đại lục, khi tiền thu về từ các đợt niêm yết đạt tới 63 tỉ USD, mức cao nhất kể từ năm 2010. Thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng góp thêm 46 tỉ USD.

 

Trên sàn Hồng Kông, JD Health, một công ty kinh doanh nhà thuốc online của Trung Quốc, đã huy động tới 3,5 tỉ USD từ đợt IPO vào ngày 2.12.2020. Một tuần sau, trên sàn New York, đợt IPO của DoorDash, một công ty giao thực phẩm Mỹ, cũng huy động được 3,4 tỉ USD, vượt trên mọi kỳ vọng, với mức tăng giá cổ phiếu lên tới 85% so với giá IPO. 

Sau đợt IPO của DoorDash một ngày, Airbnb, nền tảng cho thuê nhà, đã huy động lên tới 3,5 tỉ USD tại sàn New York. Giá cổ phiếu Airbnb đã tăng hơn gấp đôi trong phiên chào sàn ngày 10.12, định giá công ty này hơn 100 tỉ USD. Đại dịch đã khiến cho một số mô hình kinh doanh bỗng nhiên tỏa sáng khi nhà đầu tư hào hứng rót tiền vào bất cứ công ty nào mà đợt IPO của họ được mô tả bằng những từ như “số hóa”, “đám mây”, “y tế"...

Trong một thế giới lãi suất gần như bằng zero, có vẻ như các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng chi tiền cho bất cứ doanh nghiệp nào có khả năng sống sót qua đại dịch. Sự dễ dãi của nhà đầu tư cho phép các công ty tranh thủ cơ hội chốt lãi suất trái phiếu ở mức thấp kỷ lục.

Theo tính toán của S&P Global, trái phiếu hạng đầu tư trung bình trả mức lãi suất 2,6% trong năm nay, giảm từ mức 2,8% năm 2019. Nhờ cơn sốt trong thời dịch đối với mua sắm trực tuyến và điện toán đám mây, tập đoàn thương mại điện tử Amazon, vốn dẫn đầu ở cả 2 mảng này, giờ có thể vay vốn với mức lãi suất chỉ 1,5% trong 10 năm, rẻ hơn rất nhiều so với bất kỳ công ty Mỹ nào ít nhất kể từ năm 1980.

Giữa lúc thị trường chứng khoán vẫn đang được tiếp sức bởi các chính sách tiền tệ nới lỏng, nhiều doanh nghiệp đã quyết định củng cố lại bảng cân đối kế toán bằng cách phát hành cổ phiếu mới.

 

Danaher, một tập đoàn công nghiệp đa ngành, đã huy động được hơn 1,5 tỉ USD qua đợt phát hành cổ phiếu mới sau khi giá cổ phiếu quay trở lại mức cao trước thời điểm dịch vào tháng 5; kể từ đó giá cổ phiếu công ty này đã tăng 39%. Vào ngày 8.12.2020, Tesla, một hãng xe điện có vốn hóa tăng gấp 8 lần trong năm nay lên tới 616 tỉ USD, cho biết Công ty dự kiến sẽ phát hành 5 tỉ USD giá trị cổ phiếu.

Trong bối cảnh cổ tức chi cho cổ đông đang bị cắt giảm hoặc hoãn lại cho đến khi nỗi bất an COVID-19 được xoa dịu, lượng tiền mặt được nắm giữ bởi 3.000 công ty phi tài chính niêm yết có giá trị nhất thế giới đã phình to lên tới 7.600 tỉ USD, từ mức 5.700 tỉ USD vào năm ngoái.

Ảnh: glassdoor.com
Ảnh: glassdoor.com

Vẫn còn quá sớm để nói các doanh nghiệp sẽ làm gì với tất cả số tiền ấy, nhưng có thể thấy phần nào hướng đi của dòng tiền này. Bằng chứng là thị trường M&A đang cho thấy những dấu hiệu của sự sống, khi các thương vụ hầu như đóng băng trong đại dịch đang hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có xu hướng nắm giữ tiền mặt, duy trì tính thanh khoản ít nhất cho đến khi chắc chắn hơn về sự phổ biến rộng rãi của vaccine COVID-19.

Dòng vốn được dự báo sẽ vẫn tiếp tục chảy vào các thị trường khi viễn cảnh siết chặt tiền tệ khá xa vời trong bối cảnh các nước đang tìm cách vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch. Ông Carlos Hernandez, thuộc JPMorgan Chase cho biết các đợt IPO do ngân hàng ông thu xếp đang nhộn nhịp nhất trong nhiều năm. Ở một diễn biến khác, trên sàn chứng khoán Hồng Kông, tháng 9 vừa qua, lượng cầu đối với cổ phiếu của Nongfu Spring, một công ty sản xuất nước đóng chai, đã vượt cung tới 1.148 lần.