Lưu lượng khách du lịch Nhật ra nước ngoài chỉ đạt khoảng 60% so với mức trước đại dịch COVID-19. Ảnh: Nikkei Asia.
Cơn sốt du lịch của người Nhật hạ nhiệt sau đại dịch
Dù dòng du khách quốc tế đổ về Nhật Bản liên tục lập kỷ lục mới, nhưng người dân Nhật lại đang có xu hướng ở nhà nhiều hơn. Du lịch từng là lựa chọn giải trí ưa thích của người Nhật từ thời kỳ bùng nổ kinh tế. Theo báo cáo của Trung tâm Năng suất Nhật Bản, hoạt động du lịch trong nước là hoạt động giải trí phổ biến nhất trong năm ngoái
Tuy nhiên, thị trường du lịch lại gặp khó khăn trong việc tăng trưởng. Lưu lượng khách du lịch ra nước ngoài chỉ đạt khoảng 60% so với mức trước đại dịch COVID-19, trong khi số lượng đêm lưu trú của các chuyến đi nội địa đã giảm đáng kể kể từ mùa thu năm ngoái.
Có nhiều yếu tố tác động đến điều này. Các lựa chọn giải trí đã trở nên đa dạng hơn, và ngành du lịch không theo kịp xu hướng chuyển từ du lịch nhóm sang du lịch cá nhân. Đồng yên yếu và chi phí du lịch tăng cao do sự bùng nổ của khách du lịch quốc tế cũng là những yếu tố góp phần vào tình hình khó khăn này. Nhu cầu du lịch sau đại dịch cũng đã giảm đi đáng kể.
Thế nhưng, trở ngại lớn nhất đối với du khách Nhật có lẽ là khó khăn trong việc xin nghỉ phép, dẫn đến các chuyến du lịch nội địa thường không kéo dài quá hai đêm, và lịch trình du lịch quốc tế thường tập trung vào những thời điểm nhất định trong năm. Điều này trái ngược với châu Âu, nơi kỳ nghỉ dài là điều phổ biến.
“Nếu kỳ nghỉ được phân bổ đều hơn, du khách sẽ hài lòng hơn và ngành du lịch sẽ tăng năng suất. Song, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn khá bảo thủ trước sự thay đổi này”, ông Yoshiharu Hoshino, Giám đốc Điều hành Hoshino Resorts, cho biết.
Nhờ sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, số lượng người Nhật đi du lịch nước ngoài đã vượt qua con số 20 triệu người lần đầu tiên vào năm 2019. Tuy nhiên, tỉ lệ sở hữu hộ chiếu đã giảm từ 23,8% vào năm đó xuống còn 17% vào năm 2023.
Ông Hiroyuki Takahashi, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Nhật Bản, bày tỏ lo ngại về sự sụt giảm trải nghiệm du lịch nước ngoài ở giới trẻ. Một cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các vào năm 2018 cho thấy 53% người được hỏi từ 13 đến 29 tuổi không có ý định đi du học. Tỉ lệ này ở Hàn Quốc và các quốc gia phương Tây dao động từ khoảng 20% đến trên 30%. Ở nhiều quốc gia nói tiếng Anh, các kỳ nghỉ "gap year" sau khi tốt nghiệp trung học đã thúc đẩy việc du lịch quốc tế của giới trẻ. “Trải nghiệm ở nước ngoài giúp con người hiểu biết văn hóa và kết nối với nhau. Chúng ta cần khuyến khích điều này”, ông Takahashi nói.
Giới chuyên gia cũng cho rằng du lịch nước ngoài của người Nhật sụt giảm có thể có tác động tiêu cực đến khả năng thu hút khách du lịch đến Nhật.
Các hãng hàng không quốc tế thường tăng số lượng chuyến bay đến một điểm đến nếu có triển vọng tăng lưu lượng hành khách. Các hãng hàng không tránh các tình huống mà lợi ích như doanh thu vé máy bay tăng lại nghiêng về một phía.
Chính quyền Nhật Bản hiện đang xem xét các chính sách khuyến khích giới trẻ đi du lịch, như cho phép chính quyền địa phương chi trả phí làm hộ chiếu và nâng mức trần chi phí cho các chuyến đi thực tế ở trường công để các chuyến du lịch dành cho học sinh cuối cấp được triển khai.
Theo một cuộc khảo sát năm 2023 của công ty nghiên cứu thị trường Shibuya109 Lab tại Tokyo với những người từ 15 đến 24 tuổi, ba lý do chính khiến giới trẻ không muốn ra nước ngoài là chi phí, an toàn và kỹ năng ngôn ngữ.
Có thể bạn quan tâm:
Thị trường trang sức tỏa sáng giữa bối cảnh kinh tế ảm đạm
Nguồn Nikkei Asia