Còn nước nào muốn nối gót Anh rời EU?
Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh hồi tuần trước đã được tổ chức với phần thắng nghiêng về phía muốn "ra đi" khỏi EU. Điều này có thể sẽ dẫn đến sự tan rã của Vương quốc Liên hiệp Anh khi dân Scotland bất mãn về kết quả này. Nhưng mọi chuyện xem ra không chỉ dừng tại đó.
Ngày càng có nhiều chính trị gia ở các nước thành viên EU khác đưa ra các thông điệp mang tính dân tộc chủ nghĩa và dân túy, và họ cũng đang tranh thủ thời cơ để kêu gọi người dân trong nước nối gót Anh rời EU.
Bản đồ các nước cũng có đảng phái muốn tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU (màu vàng) - Ảnh: Independent |
Frexit (Pháp)
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, đã thay đổi hình ảnh trên trang Twitter của bà bằng một lá cờ Anh trong thời gian ngắn với hàm ý nước Pháp cũng nên nối gót láng giềng mà rời EU. "Như tôi đã nói trong nhiều năm, bây giờ cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý ở Pháp cũng như các nước EU khác", bà nói.
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy số người ủng hộ bà Le Pen còn nhiều hơn cả cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và đương kim Tổng thống Francois Hollande của nước Pháp.
Nexit (Hà Lan)
Geert Wilders, một chính trị gia Hà Lan ủng hộ chính sách chống nhập cư, nói rằng nước này cũng nên tổ chức chiến dịch "Nexit" nhằm bỏ phiếu rời EU.
"Chúng tôi muốn được quản lý đất nước của chính chúng tôi, tiền bạc của chúng tôi, biên giới của chúng tôi và chính sách nhập cư của chúng tôi. Càng nhanh càng tốt, người Hà Lan cần phải có cơ hội để có tiếng nói của mình về tư cách thành viên tại EU", ông nói.
46% người dân Hà Lan có cái nhìn không mấy thiện cảm với EU, theo nghiên cứu của Pew Research Centre. Trong khi đó, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 54% người dân nước này cũng muốn tiến hành trưng cầu dân ý.
Tỷ lệ ủng hộ EU (màu xanh) so với không hài lòng (màu vàng) của người dân một số nước trong khối, vào thời điểm đầu năm 2016. Ba Lan và Hungary là 2 nước ủng hộ EU nhiều nhất, trong khi Pháp và Hy Lạp có tỷ lệ bất mãn cao nhất. Nguồn: Pew Research Center |
Grexit (Hy Lạp)
Nếu Hy Lạp có một cuộc Grexit thì đây cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên bởi nước này từng trải qua một cuộc đàm phán xin cứu trợ tài chính đầy khó khăn với ủy ban châu Âu. Một sự thật khác là 71% người dân nước này cũng không thấy thiện cảm với EU, theo khảo sát của Pew.
Itexit (Ý)
Matteo Salvini, một lãnh đạo đảng Northern League chuyên chống nhập cư tại Ý, phát biểu trên Twitter: "Hoan hô cho sự can đảm của những công dân tự do. Trái tim, trí não và niềm tự hào đã đánh bại những lời nói dối, đe dọa và tống tiền. Cảm ơn nước Anh, bây giờ đến lượt chúng tôi".
Gerexit (Đức)
Lãnh đạo một đảng chống nhập cư ở Đức là AfD đã kêu gọi Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cùng với người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phải từ chức. Theo Pew Research Centre, có đến 48% người Đức cảm thấy không hài lòng với EU.
Finexit (Phần Lan)
Quốc hội Phần Lan đã được triệu tập sau kết quả trưng cầu ở Anh, và lãnh đạo các đảng cầm quyền ở nước này cũng đã nhóm họp hôm thứ 6 nhằm thảo luận về kết quả cuộc trưng cầu.
Các chính trị gia không ủng hộ EU ở Phần Lan cho rằng EU nên tôn trọng quyết định của Anh và tránh việc cố tình trả đũa nước này trong các cuộc đàm phán tương lai.
Danexit (Đan Mạch)
Kristian Thulesen Dahl, lãnh đạo đảng Nhân dân Đan Mạch, cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý tại nước này về việc ở lại EU sẽ là "một phong tục dân chủ tốt".
Auxit (Áo)
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 40% người Áo muốn tổ chức lấy ý kiến về vị trí thành viên trong EU, trong khi 38% ủng hộ việc có chiến dịch "Auxit".
An Phong
Nguồn Independent