"Còn nhiều việc cần phải làm để cải thiện kinh tế toàn cầu"
Phát biểu sau khi nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng trung ương họp tại Moscow, bà Lagarde nói: "Từ quan điểm của chúng tôi, điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, tăng trưởng quá yếu, tỷ lệ thất nghiệp quá cao và khả năng phục hồi là quá mong manh. Điều này đề cập một cách rõ ràng trong thông cáo của nhóm G20. Vì vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện tình hình kinh tế thế giới".
Trước đó, cùng ngày, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã nhất trí cho rằng thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm phải là ưu tiên hàng đầu đối với kinh tế toàn cầu vốn đang đối mặt với tình trạng phục hồi "mong manh và không đồng đều".
Thông cáo chung đưa ra sau phiên họp tại thủ đô Moscow của Nga nêu rõ, do kinh tế toàn cầu vẫn yếu kém, tiến trình phục hồi lại èo uột và không đồng đều nên cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và việc làm trong ngắn hạn. Tuy nhiên để làm được điều đó, cần phải giảm thiểu hơn nữa sự đổ vỡ của thị trường tài chính, tiếp tục hỗ trợ tài chính cho những lĩnh vực quan trọng, tái cân bằng nhu cầu toàn cầu và áp dụng các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.
Cũng tại phiên họp, các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng G20 cho rằng, để kinh tế toàn cầu phục hồi ổn định, các quốc gia cần thông báo rõ ràng về bất cứ thay đổi nào trong các gói kích thích tiền tệ, nhất là Chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ. Ngoài ra, các nước cũng ủng hộ thực hiện kế hoạch hành động "tham vọng và toàn diện" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm xử lý nạn trốn thuế của các công ty đa quốc gia và giúp bổ sung các ngân sách eo hẹp.
Các đại biểu cũng nhất trí phản đối mọi hình thức bảo hộ và ủng hộ tiếp tục duy trì thị trường mở, nhất là việc thả nổi tỷ giá. Các nước cam kết sẽ không chạy đua phá giá đồng nội tệ và không thiết lập tỷ giá hối đoái riêng nhằm mục địch cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 cũng đạt được thỏa thuận về một loạt vấn đề quan trọng khác liên quan đến việc cải tổ cơ chế hoạt động của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thiết lập hệ thống thu thuế nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các công ty đa quốc gia (bằng cách chuyển một phần lợi nhuận sang những quốc gia có mức thuế thấp hơn) và phối hợp đánh giá trợ cấp cho lĩnh vực năng lượng...
Nguồn VOV News