Mỹ đang trải qua thời kỳ bùng nổ xây dựng nhà máy khi các khoản trợ cấp của liên bang thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện. Ảnh: WSJ.

 
Hải Miên Thứ Hai | 18/12/2023 19:00

Cơn khát công nhân của các siêu nhà máy Mỹ

Tại thành phố Columbus, Tiểu bang Ohio ở Mỹ, các nhà máy khổng lồ đang mọc lên như nấm và phần khó khăn nhất giờ đây là tìm nhân công.

Việc tuyển dụng trong lĩnh vực sản xuất quanh Columbus gặp rất nhiều khó khăn, vì nơi này có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất Ohio và ngành logistics đang phát triển cũng cạnh tranh không kém để giành giật nhân tài. Các nhà máy trong khu vực này hiện có hàng nghìn vị trí trống, tình trạng thiếu hụt khiến một số quản lý phải tham gia cùng công nhân trong dây chuyền sản xuất.

Đây không phải là vấn đề mới đối với các nhà sản xuất Mỹ. CEO các doanh nghiệp và quan chức ngành cho biết, làn sóng các siêu nhà máy sắp tới, được hỗ trợ bởi hàng tỉ USD ngân sách công, có thể đẩy tình trạng thiếu hụt trở thành một cuộc khủng hoảng.

Đáng quan ngại nhất có lẽ là ở miền Trung Ohio, nơi Intel đang xây dựng hai nhà máy bán dẫn với tổng chi phí hơn 20 tỉ USD, trong khi Liên doanh Honda và LG xây dựng một nhà máy pin xe điện trị giá 3,5 tỉ USD. Các công ty này đặt mục tiêu thuê hơn 5.000 công nhân còn các nhà cung cấp địa phương phục vụ các nhà máy này có thể sẽ cần thêm hàng nghìn công nhân nữa. Điều đó khiến các nhà sản xuất nhỏ hơn phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lao động ngày càng gay gắt. 

Làn sóng xây dựng nhà máy

 

Ông Ryan Augsburger, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Ohio cho biết: “Lực lượng lao động là vấn đề số 1 ở bất cứ nơi nào chúng tôi đến ở Ohio, và đặc biệt trầm trọng ở miền Trung Ohio. Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều với các công ty lớn như Intel.”

Nước Mỹ đang trải qua thời kỳ bùng nổ xây dựng nhà máy sau khi các công ty bị "vùi dập" bởi đại dịch khôi phục hoạt động. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã ưu tiên và dành hàng tỉ USD hậu thuẫn cho sự phát triển của ngành bán dẫn và xe điện.

Theo ông Richard Branch, Chuyên gia kinh tế của Dodge Construction Network, giá trị của các cơ sở sản xuất mới đã đạt kỷ lục 102 tỉ USD vào năm ngoái, cao gấp 3 lần so với tổng giá trị của năm 2019. Kể từ năm 2021, 33 dự án sản xuất, hầu hết liên quan đến chất bán dẫn hoặc xe điện, có chi phí từ 1 tỉ USD trở lên.

Thu hút nhân tài

Intel đặt mục tiêu trở thành một ngoại lệ. Bà Cindi Harper, Phó Chủ tịch hoạch định và thu hút nhân tài của công ty, cho biết họ có kinh nghiệm xây dựng lực lượng lao động tại các cơ sở của mình ở Oregon, New Mexico và Arizona, đồng thời đang theo đuổi một chiến lược tương tự ở Ohio.

Intel đã giúp thiết kế một chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng cộng đồng ở Ohio. Chương trình kéo dài tầm một năm này có chi phí khoảng 3.700 USD trước khi nhận hỗ trợ tài chính, giúp sinh viên làm quen với việc sản xuất chất bán dẫn để họ có thể trở thành kỹ thuật viên.

Một phát ngôn viên cho biết Honda, hiện đã có bốn nhà máy ở miền Trung Ohio, đang nói chuyện với các hiệu trưởng trường cao đẳng cộng đồng, Ban giám hiệu trường công và các quan chức phát triển lực lượng lao động để phát triển lộ trình hướng tới liên doanh xe điện của mình. 

Đại diện của cả hai công ty đã đến Bang Columbus vào tháng 10 để tham dự ngày hội nghề nghiệp sản xuất dành cho học sinh trung học. Một nhân viên của Honda từng học tại trường đại học đã nói về công nghệ tiên tiến của nhà sản xuất ô tô, trong khi Intel mang đến kính thực tế ảo cho phép thanh thiếu niên hình dung ra công việc trong nhà máy sẽ như thế nào. 

Cô Deeksa Kasirajan, học sinh cuối cấp tại trường trung học Dublin Scioto, đã tham gia vào đám đông xung quanh gian hàng của Intel. Cô đến ngày hội việc làm để tìm hiểu về sản xuất nhưng không nghe thấy gì có thể làm lung lay kế hoạch trở thành kỹ sư y sinh của cô.

Cô nói: “Tôi quan tâm nhiều hơn đến thứ gì đó mang tính đổi mới và không lặp đi lặp lại hơn."

Các nhà sản xuất đã cố gắng loại bỏ quan niệm đó ở những lao động tương lai thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. Ông Ned Hill, Giáo sư phát triển kinh tế tại Đại học bang Ohio, cho biết cư dân khu vực này có định kiến sâu sắc về các dây chuyền lắp ráp kiểu cũ.

Ông Ned nói, việc sử dụng công nghệ để truyền tải hình ảnh sẽ gặp khó khăn khi những học sinh này gặp gỡ cố vấn sau đó và những người này nói rằng: "Em sẽ không muốn làm trong nhà máy đâu, đó là một nơi tối tăm và không sạch sẽ.”

Bà Kristina Clouse của JobsOhio, Tập đoàn phát triển kinh tế tư nhân của bang, cho biết trong khi các công ty bày tỏ lo ngại về việc mất nhân viên vào tay các nhà máy mới, thì Intel và liên doanh Honda/LG lại nhấn mạnh rằng họ không muốn có chiến lược giành giật nhân tài từ các doanh nghiệp khác.

 

Ông Dana Peters, một chủ doanh nghiệp tại Columbus, cho biết rất khó tìm được công nhân lành nghề nên ông không còn tìm kiếm nữa mà muốn đào tạo những người thiếu kinh nghiệm và đầu tư vào tự động hóa. Ông dự kiến, ​​việc tuyển dụng nhân viên mới sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi các siêu nhà máy mở cửa. 

“Tôi tưởng tượng là họ sẽ lấy đi tất cả mọi người”, ông  nói. 

Tiền có thể là một yếu tố quyết định. Theo Cục Thống kê Lao động, mức lương sản xuất trung bình ở Ohio là khoảng 25 USD/giờ, trong khi một số tin tuyển dụng ở khu vực Columbus đưa ra mức lương dưới 20 USD/giờ. 

Đại diện của Intel và liên doanh Honda/LG từ chối nêu chi tiết mức lương dự kiến , mặc dù Intel cho biết các kỹ thuật viên sản xuất của họ ở những nơi khác trong nước có thể kiếm được từ 50.000-90.000 USD/năm, bao gồm cả các khoản thưởng.

Có thể bạn quan tâm:

 Ngành hàng xa xỉ tìm kiếm nghệ nhân

Nguồn WSJ