Thứ Năm | 15/08/2013 15:36

Con đường nào cho tăng trưởng dài hạn?

Việc công nhận sáng chế và R&D như một khoản đầu tư trong phương pháp tính GDP mới của Mỹ một lần nữa cảnh tỉnh các nước đang phát triển về con đường tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Khi một nền kinh tế ưu tiên tốc độ tăng trưởng, nhà hoạch định chính sách sẽ khuyến khích tăng nhanh tỷ lệ đầu tư bằng vay nợ hoặc tăng tín dụng. Dường như đó là cách dễ dàng hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng, so với những hoạt động yêu cầu vốn ban đầu lớn mà phải chờ đợi lâu hơn mới thu được thành quả.

Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và các sáng chế là con đường nhọc nhằn mà các nước đang phát triển vốn đã chạy sau nên càng thiếu kiên nhẫn để chú trọng những hoạt động "dài hơi" như vậy.

Không sớm thì muộn, các nước đang phát triển sẽ phải nghĩ lại nếu muốn đạt tăng trưởng ổn định trong dài hạn nhất là khi giai đoạn phát triển nóng đang đi tới hồi kết.

Trước khi hiệp định về các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ (TRIPs) của WTO được kí kết năm 1994, phe phản đối bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thường lấy lý do để biện minh rằng, bảo hộ những tài sản như vậy sẽ làm tăng chênh lệch phát triển kinh tế giữa khối nước phát triển và đang phát triển.

Bởi vì những người chạy trước, bao gồm phần lớn các nước phát triển đã được tự do khai thác các tài sản trí tuệ để phát triển nền kinh tế của họ trong suốt thế kỷ XVIII-XIX. Sang thế kỷ XX, các nước đang phát triển lại phải trả tiền cho việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của các cá nhân hoặc các công ty của các nước phát triển. Vì vậy, trong bối cảnh đó, những kẻ chạy sau (các nước đang phát triển) luôn giữ quan điểm phản đối.

Nhưng cần hiểu rằng, đó là tính hai mặt của một chính sách. Mục tiêu chính của TRIPs là “góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao công nghệ, mang lại lợi ích cho cá nhân người sáng tạo và người sử dụng công nghệ, cũng như lợi ích kinh tế-xã hội nói chung và đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ” (Điều 7, Hiệp định TRIPs).

Bản quyền, nhân tố mới góp phần vào GDP của Mỹ

Sở dĩ Mỹ coi trọng giá trị của đăng kí bản quyền và đưa nó vào như một khoản đầu tư trong cách tính GDP mới bởi Mỹ đã sớm nhận ra giá trị của những tài sản trí tuệ được bảo hộ cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong cơ cấu giá trị của một sản phẩm và cấu thành nên năng lực cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững trong dài hạn.

Chuỗi sản xuất đa quốc gia của sản phẩm iPhone.

Lấy ví dụ về chiếc iPhone, không phải là sản phẩm của riêng nước Mỹ nhưng Mỹ chính là nước hưởng lợi nhiều nhất trong tổng số chín nước tham gia sản xuất iPhone 3G. Có thể thấy trong tổng số 8 giai đoạn sản xuất chính, Mỹ đã chiếm trọn công đoạn thiết kế sản phẩm, cùng với dịch vụ khách hàng, đây là một trong hai công đoạn mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất trong cơ cấu giá trị của iPhone 3G. Bí quyết chuỗi sản xuất được chuyên gia kinh tế Satoshi Inomata mô hình hóa thành “hình chiếc mặt cười” của Apple trong nghiên cứu mới công bố hồi tháng 4/2013.

Nếu tính cả ba công đoạn Mỹ tham gia trong quá trình sản xuất iPhone (thiết kế, marketing và cung cấp dịch vụ khách hàng), có tới 66% giá trị gia tăng được tạo ra bởi Mỹ. Tính lại theo phương pháp mới, chắc chắn Mỹ đã bổ sung thêm một phần trong tổng GDP nhờ các kỹ sư thiết kế tại Apple.

Nhưng câu chuyện chắc chắn sẽ không dừng lại trong biên giới nước Mỹ, bởi sang năm sau, châu Âu cũng dự kiến thay đổi phương pháp tính GDP của mình. Như vậy, câu chuyện của Mỹ sẽ trở thành câu chuyện của các nước phát triển. Sau hiệp định TRIPs, phương pháp tính GDP mới sẽ là cách khối nước phát triển trên thế giới công nhận vai trò của sở hữu trí tuệ trong tăng trưởng kinh tế một cách đàng hoàng và cũng là đòn cảnh tỉnh khối nước đang phát triển phụ thuộc quá nhiều vào chuyển giao công nghệ hay thậm chí “đánh cắp” công nghệ như Trung Quốc.

Xem xét lại chất lượng tăng trưởng

Viện Khoa học Trung Quốc dự báo đến năm 2019, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và năm 2049 sẽ vượt Mỹ một cách toàn diện. Tuy nhiên nếu Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư công, vay nợ và theo đuổi chủ nghĩa trọng thương thì con số tuyệt đối về tăng trưởng có thể đạt được ngay trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, một nền kinh tế dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao hơn giá rẻ, thích dùng sáng chế công nghệ mới hơn mua lại và chính sách thu hút nhân tài như Mỹ, chắc chắn tăng trưởng sẽ chất lượng và ổn định hơn nhiều so với một “con cóc phình bụng”.

Các nước đang phát triển có nguy cơ ngày càng bị bỏ xa nếu chỉ dựa vào lao động giá rẻ và sao chép công nghệ.

Mô hình tăng trưởng Solow đã nhắc đi nhắc lại về vai trò của công nghệ và nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế dài hạn. Nhưng ai cũng biết rằng, xuất phát muộn thường muốn dựa vào vốn hơn, vì đó là cách nhanh nhất để đạt được tăng trưởng nhanh, giàu có một cách giả tạo.

Nâng cao vị thế của các sáng chế nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung là cách khuyến khích gia tăng năng suất lao động lành mạnh và hiệu quả. Vòng tròn luẩn quẩn của nghèo đói chỉ ra năng suất lao động là yếu tố quyết định đến thu nhập hay sản lượng của một nền kinh tế. Dường như Mỹ đã chú trọng phá vỡ vòng tròn này từ lâu bằng gia tăng năng suất lao động, còn phần lớn các nước đang phát triển vẫn phụ thuộc nhiều vào gia tăng vốn.

Cuộc đua giữa thỏ và rùa có tuân theo "hiệu ứng đuổi kịp", nếu khoảng cách công nghệ ngày càng nới rộng.
Không chú trọng phát triển công nghệ, có nguy cơ các nước đang phát triển sẽ ngày càng bị các nước phát triển bỏ lại phía sau. Còn nếu các nước xuất phát muộn vẫn vin vào “hiệu ứng đuổi kịp” thì nên xem xét lại, bởi một trong hai tiền đề để câu chuyện cuộc đua giữa thỏ và rùa trở thành hiện thực đó là, hai nước có điểm xuất phát khác nhau phải có cùng tốc độ cải tiến công nghệ.

Một cách tổng quát, lo ngại khối nền kinh tế đang phát triển không thể đuổi kịp các nước có nền kinh tế phát triển xuất phát ngay từ trình độ phát triển công nghệ và chính sách khuyến khích sáng tạo công nghệ mới, không đơn giản chỉ là những sao chép từ những sáng chế có sẵn.

Trong tổng số 3,6% GDP tăng thêm khi áp dụng cách tính mới trong năm 2012, chưa có tính toán về cụ thể hoạt động R&D và đầu tư vào sáng chế đóng góp bao nhiêu, nhưng ít ra sự thay đổi này khẳng định thêm một lần nữa chính sách khuyến khích sáng tạo mới mà trước hết là công nghệ sản xuất – một điểm yếu khiến các nước đang phát triển chưa thể trở thành đầu tàu vững chắc cho tăng trưởng toàn cầu.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện