Bên trong xưởng uốn và hàn tháp tuabin gió tại nhà máy của CS Wind Corp, Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Hai | 05/02/2024 16:14

Cơn ác mộng của các nhà sản xuất châu Á có lẽ đã khép lại

Mặc dù có một số cơ hội mới cho Trung Quốc, nhưng các cuộc khảo sát PMI chính thức và tư nhân cho thấy tình hình vẫn không đồng đều.

Theo một loạt cuộc khảo sát tư nhân được công bố ngày 1/2, hầu hết các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có thể đã vượt qua giai đoạn suy thoái sản xuất tồi tệ nhất vào năm 2023.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng S&P của Hàn Quốc đã ghi nhận mức tăng đầu tiên kể từ tháng 6/2022 ở mức 51,2 trong tháng 1, tăng từ mức 49,9 trong tháng 12.

Ông Usamah Bhatti, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất Hàn Quốc đã có sự cải thiện vào đầu năm 2024. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng trưởng trở lại, trong khi sức mua mạnh hơn".

"Trong đó, động lực góp phần tăng mạnh nhất đến từ đơn đặt hàng mới. Tuy mức tăng còn khiêm tốn nhưng là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 6/2022. Xu hướng hiện tại phản ánh sự gia tăng các đơn đặt hàng trong nước và quốc tế, đặc biệt là đối với các sản phẩm mới”, ông Bhatti nói thêm.

Chỉ số khảo sát tương tự tại Việt Nam đạt 50,3 trong tháng 1, từ mức 48,9 trong tháng 12, trong khi chỉ số của Indonesia ở mức 52,9 trong tháng 1, từ 52,2 trong tháng 12. Chỉ số tổng thể của các nền kinh tế ASEAN đứng ở mức 50,3 trong tháng 1, lần đầu tiên chỉ số này vượt trên 50 trong 5 tháng.

 

Trong dự báo tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết họ kỳ vọng các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 10. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3,1% vào năm 2024 nhờ khả năng phục hồi tốt hơn mong đợi của Mỹ và một số nền kinh tế lớn đang phát triển cũng như gói hỗ trợ tài chính ở Trung Quốc.

Trong khi Đài Loan, Malaysia và Thái Lan vẫn đang sa lầy ở mức dưới 50, thì con số 49 của Malaysia là mức tốt nhất trong 17 tháng. Đài Loan và Thái Lan cũng có sự cải thiện trong tháng 1 so với tháng 12.

Bà Annabel Fiddes, Phó Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Dữ liệu khảo sát PMI mới nhất đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy thời kỳ suy thoái sản xuất tồi tệ nhất của Đài Loan hiện đã ở lại phía sau, với chỉ số toàn phần đang tiến gần hơn đến mức 50".

Bà nói thêm: “Các công ty báo cáo sản lượng và số lượng việc làm mới giảm chậm nhất trong gần một năm, trong khi niềm tin kinh doanh tăng cao với kỳ vọng nhu cầu khách hàng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024".

Mặc dù có một số cơ hội mới cho Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, nhưng các cuộc khảo sát PMI chính thức và tư nhân cho thấy tình hình vẫn không đồng đều.

Theo một bản công bố ngày 1/2, chỉ số PMI Caixin Trung Quốc là 50,8 trong tháng 1, được hỗ trợ bởi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lần đầu tiên tăng trong 7 tháng.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy PMI chính thức của nước này đạt 49,2 trong tháng 1, mức giảm hàng tháng thứ 4 liên tiếp, so với mức 49 trong tháng 12.

Có thể bạn quan tâm: 

Ngành công nghiệp thức uống nhanh sẽ "vượt mặt" đồ ăn nhanh về lợi nhuận?

Nguồn CNBC