Cổ tức toàn cầu lập kỷ lục mới trên 1,1 ngàn tỷ USD
Báo cáo của Henderson Global Investors cho thấy tổng cổ tức chi trả cho các cổ đông trên toàn cầu đã tăng thêm 11% lên 1,17 ngàn tỷ USD trong năm 2014, trong đó các công ty Mỹ có mức chi trả cổ tức tiền mặt tăng mạnh nhất với 52 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo dự báo của Henderson, cổ tức toàn cầu năm 2015 sẽ tăng chỉ 1% do giá dầu thấp và sự giảm tốc của một số nền kinh tế cũng như đà tăng gần đây của đồng USD. Thông thường, đồng USD mạnh sẽ làm giảm giá trị của khoản thu nhập từ cổ tức trên toàn thế giới một khi được chuyển sang đồng bạc xanh.
Ông Alex Crooke, một chuyên gia của Henderson Global Investors nhận định: “2014 là một năm tuyệt vời đối với các nhà đầu tư theo trường phái thu nhập, với đà tăng cổ tức mạnh nhất thuộc về các thị trường phát triển”. Ông cho biết thêm: “Sau kết quả khả quan trong năm 2014, chúng tôi kỳ vọng đà gia tăng của cổ tức sẽ chững lại trong năm 2015”.
Theo số liệu của Henderson, khoảng 1/3 cổ tức toàn cầu đến từ các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trong năm qua, đà tăng/giảm cổ tức giữa các khu vực có sự cách biệt rất lớn. Cụ thể như sau:
Nguồn: BBC |
Được biết, cổ tức toàn cầu đã tăng 60% trong vòng 5 năm tính từ năm 2009, vượt xa lạm phát và lãi suất tiết kiệm tại Anh cũng như đà tăng trưởng của các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Điều này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khoản thu nhập từ cổ tức đối với nhà đầu tư, đặc biệt là khi giá cổ phiếu trì trệ, vì việc tái đầu tư cổ tức sẽ gia tăng giá trị của khoản cổ phần tại doanh nghiệp.
Bức tranh cổ tức sắp thay đổi?
Mức thanh toán cổ tức giữa các doanh nghiệp là không đồng đều và cũng khó đoán dù các doanh nghiệp thường cho biết mục tiêu của họ là gia tăng đều đặn tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông.
Năm 2014, chỉ 10 doanh nghiệp lớn nhất đã chiếm tới 11% tổng lượng thanh toán cổ tức toàn cầu và top 20 doanh nghiệp hàng đầu chiếm tới 18%, dẫn đầu là Vodafone khi mức cổ tức đặc biệt và cao ngất ngưởng được thanh toán đầu năm 2014 của công ty này đã đóng góp 20% cho tổng mức chi trả cổ tức tại Anh.
Các tập đoàn mạnh tay chi trả cổ tức trong năm qua chính là các công ty dầu như Shell; các ngân hàng như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), HSBC; và các công ty công nghệ như Apple và Microsoft. Ngược lại, các doanh nghiệp khai khoáng lại cắt giảm cổ tức năm thứ 3 liên tiếp.
Báo cáo của Henderson cho biết: “Đây là hậu quả của việc các công ty hàng hóa đã chịu ảnh hưởng từ giá sản phẩm thấp hơn trước nhu cầu ngày càng thấp trên toàn cầu”.
Trước đà sụt giảm mạnh gần đây của giá dầu, ông Crooke cho biết thêm: “Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp dầu mỏ tại các thị trường phát triển sẽ không chia cổ tức trong năm 2015, và rất có khả năng các nhà sản xuất thị trường mới nổi sẽ giảm đáng kể mức chi trả cổ tức trong năm nay khi lợi nhuận chịu sức ép”.
Nghiên cứu của Henderson được thực hiện bằng cách cộng tất cả các mức cổ tức của 1.200 doanh nghiệp lớn nhất có cổ phiếu giao dịch trên các sàn chứng khoán trên toàn thế giới. Phần cổ tức còn lại từ các doanh nghiệp nhỏ hơn là số liệu ước tính.
Nguồn Vietstock