Cơ sở hạ tầng châu Âu chịu thiệt hại nặng nề từ thắt lưng buộc bụng
Các giám đốc điều hành, tập đoàn thương mại và cả các quan chức EU cho rằng khu vực đồng euro có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh với những hậu quả không thể xoay chuyển.
Năm 2012, chi tiêu cơ sở hạ tầng của châu Âu chỉ tăng 1,5% lên 741 tỷ USD, so với mức tăng 4,5% toàn cầu và 7,1% khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo dữ liệu của Marketline. Dự báo chi tiêu ở châu Âu vào năm 2016 sẽ tăng 4,3% nhưng vẫn chưa bằng với mức trung bình của thế giới. Chỉ có duy nhất Mỹ là sẽ tăng trưởng ít hơn với 1,8% vào năm 2016.
Trong kế hoạch ngân sách mới nhất của EU được công bố vào tháng 2, ngân sách tài trợ chính cơ sở hạ tầng giảm từ 50 tỷ euro xuống 29,3 tỷ euro trong 7 năm tới. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và băng thông rộng bị cắt giảm ngân sách nhiều nhất, từ 9,2 tỷ euro xuống còn 1 tỷ euro.
Ngân sách dành cho chi tiêu giao thông vận tải đến năm 2020 giảm 38% từ 21 tỷ xuống 13 tỷ euro, buộc Uỷ ban Giao thông vận tải châu Âu giảm các dự án đường bộ và hàng không.
Đức - quốc gia chiếm 15% tổng chi tiêu cơ sở hạ tầng châu Âu giảm ngân sách cơ sở hạ tầng từ 57 tỷ euro xuống 41,5 tỷ euro đối với các dự án từ năm 2011 đến 2015.
Tại Ireland, ngân sách dành cho giao thông trong giai đoạn 2010-2015 giảm gần 50% chỉ trong 2 năm từ 17,5 tỷ euro xuống 8 tỷ euro. Ngân sách tài trợ cho cơ sở hạ tầng của Tây Ban Nha năm 2013 là 9,6 tỷ euro, giảm 16% so với năm trước và giảm 36% so với năm 2008.
Vài năm sau khi thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, vị trí cạnh tranh về cơ sở hạ tầng của châu Âu bắt đầu lung lay, trong đó đường sắt và hàng không là các lĩnh vực gặp vấn đề nhiều nhất, Harold Ruijters, người đứng đầu đơn vị mạng lưới giao thông châu Âu của Uỷ ban Giao thông vận tải EU cho biết.
Ngân sách giảm và triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu dài hạn trong khu vực sẽ khiến cho EU không thế đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong 2 thập kỷ tới, Ruijters nói.
Uỷ ban châu Âu ước tính sẽ cần 1.500 tỷ euro chi tiêu cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đến năm 2030 để thực hiện được mục tiêu chiến lược dài hạn của EU - tạo ra việc làm, tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong thị trường EU.
Việc cần làm của châu Âu bây giờ tiếp tục phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng để giữ vững vị thế cạnh tranh của khu vực.
Hiện nay, thương mại trong khu vực châu Âu với dân số 730 triệu người chiếm 22% hàng hoá thế giới tính theo giá trị, dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.
Trong một báo cáo được phát hành trước khi cắt giảm ngân sách, các lãnh đạo EU nói rằng 550 tỷ euro sẽ được đầu tư vào các dự án ưu tiên đến năm 2020 để tạo ra một mạng lưới giao thông chính đáp ứng nhu cầu đang tăng lên.
Hoạt động đầu tư này sẽ kết nối 120 cảng lớn, kết nối sân bay đến đường sắt, nâng cấp 15.000 km đường sắt tốc độ cao và loại bỏ tắc nghẽn tại 35 điểm quan trọng qua biên giới. Hiện, đường sắt của khu vực sử dụng 7 đường ray khác nhau và chỉ có 20 sân bay lớn, 35 cảng lớn được liên kết trực tiếp với mạng lưới đường sắt.
Việc nâng cấp không chỉ giúp phân phối hàng hoá nhanh hơn và rẻ hơn mà có thể đáp ứng mục tiêu giảm 60% lượng khí thải carbon, giảm 1/2 sử dụng xe hơi và giảm 50% khoảng cách vận chuyển đường dài bằng tàu và xe lửa đến năm 2050.
Giám đốc điều hành của các hãng hàng không hầu hết lo ngại nguy cơ mất vị thế cạnh tranh của châu Âu nếu như các kế hoạch trên không được thực hiện.
Nguồn Reuters/Khampha