5 năm sau khủng hoảng tài chính, nhà đầu Mỹ đã quay trở lại với chứng khoán trong năm 2013 – đúng thời điểm lợi suất mà cổ phiếu đem lại ở mức cao kỷ lục so với lợi suất của trái phiếu.
Theo số liệu thống kê của Bloomberg, kể từ đầu năm đến nay, các quỹ tương hỗ và ETF trên TTCK Mỹ đã đầu tư 162 tỷ USD vào cổ phiếu – cao nhất kể từ năm 2000 tới nay. Cùng thời gian này, chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng 29%, trong khi trái phiếu chính phủ chỉ mang lại lợi suất đạt 32 điểm phần trăm. Đây là mức chênh lệch lớn nhất ít nhất là kể từ năm 1978.
Nhà đầu tư cá nhân bắt đầu mua vào cổ phiếu sau khi chứng kiến chỉ số S&P 500 tăng 172% so với thời kỳ trước khủng hoảng và vượt qua mốc kỷ lục được lập hồi tháng 10/2007. Các quỹ tương hỗ bỏ ra 21 tỷ USD trong khi các quỹ ETF đổ 121 tỷ USD vào TTCK Mỹ trong năm 2013. Ngược lại, các quỹ trái phiếu bị rút ra 67 tỷ USD.
Đây là xu hướng trái ngược so với 4 năm trước đó, khi 260 tỷ USD bị rút ra khỏi cổ phiếu và hơn 1.000 tỷ USD được đổ vào trái phiếu.
Giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết thuộc chỉ số S&P 500 đã tăng 3.700 tỷ USD so với 1 năm trước. Đà tăng mạnh mẽ của thị trường có phần lớn nguyên nhân xuất phát từ lãi suất ở mức gần 0 và nhà đầu tư tin tưởng rằng đây đã là thời điểm an toàn để sở hữu cổ phiếu.
2013 cũng là năm mà giá trị vốn hóa của TTCK Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 1990 (khi Bloomberg bắt đầu theo dõi số liệu này). Năm 1997, thị trường tăng mạnh hơn 2 điểm phần trăm nhưng giá trị vốn hóa lại tăng ít hơn 1.800 tỷ USD. Năm 1995, thị trường cũng tăng tới 34% nhưng giá trị vốn hóa chỉ tăng 1.240 tỷ USD.
Tính cả cổ tức tái đầu tư, cổ phiếu mất khoảng 1% mỗi năm trong thời kỳ 2000 – 2009. Tính thêm cả 4 năm gần đây, lợi suất rơi vào khoảng 3,5%, trong khi mức lợi suất trung bình kể từ năm 1900 là 6%. Kể từ tháng 3/2009, chỉ số S&P 500 có lợi suất trung bình là 26%.
Theo Arvin Soh – chuyên gia đến từ GAM, cổ phiếu là tài sản nổi bật của năm nay, với đà tăng nối tiếp và không có quá nhiều biến động.
Trái phiếu Mỹ chỉ đem lại lợi suất 3,4% trong năm 2013 và hướng tới năm đầu tiên có lợi suất suy giảm kể từ năm 2009. Mặc dù vậy, nhu cầu đối với nợ chính phủ Mỹ vẫn ở mức cao hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính. Các NHTW, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí trên toàn thế giới vẫn sẵn sàng trở thành chủ nợ của Mỹ.
Giới phân tích dự báo thị trường chứng khoán sẽ biến động mạnh hơn trong năm 2014 bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm chương trình mua trái phiếu. Theo 41 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg, Fed sẽ giảm 10 tỷ USD sau mỗi cuộc họp chính sách trong thời gian tới, trước khi hoàn toàn kết thúc chương trình này vào tháng 12/2014.
Các chuyên gia của Bloomberg cũng dự báo GDP Mỹ sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2014 - tăng mạnh so với mức 1,7% của năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 11 đã giảm xuống còn 7% (thấp nhất 5 năm) trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần luôn ở mức dưới 400.000 USD.
Trong khi đó, Joseph Quinlan - chuyên gia đến từ Bank of America - cho rằng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy cổ phiếu vẫn đem lại lợi nhuận tốt trong dài hạn. "Văn hóa ưa chuộng cổ phiếu vẫn chưa chết", ông nói.
Nguồn Cafef