Khách hàng xếp hàng chờ bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng Thung lũng Silicon ở Wellesley, Massachusetts. Ảnh: Reuters.

 
Hải Miên Thứ Ba | 14/03/2023 10:30

Cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo trên toàn cầu

Các ngân hàng lớn của Mỹ đã mất khoảng 90 tỉ USD giá trị thị trường chứng khoán vào ngày 13/3.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã tác động mạnh đến cổ phiếu ngân hàng toàn cầu, mặc cho Tổng thống Joe Biden, FED hay Kho bạc lên tiếng, can thiệp và cố gắng xoa dịu thị trường.

Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu ngay cả sau khi chính phủ tiếp quản SVB, đồng thời nhanh chóng tăng cường khả năng tiếp cận tiền mặt của người dân. 

Lúc đóng cửa ngày 13/3, Dow Jones giảm 90,5 điểm, tương đương giảm 0,28%, còn 31.819,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,15%, còn 3.855,76 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,45%, đạt 11.188,84 điểm.

Chỉ số MSCI All Country World Index đo thị trường chứng khoán 49 quốc gia trên thế giới giảm 0,39%. Chứng khoán châu Âu là thị trường khu vực giảm mạnh nhất phiên này, với mức giảm 2,3% của chỉ số Stoxx 600.

Chỉ số đo giá cổ phiếu ngân hàng tại thị trường châu Âu giảm gần 6% sau khi giảm 3,8% trong phiên ngày 10/3. Cổ phiếu HSBC niêm yết tại thị trường London tụt hơn 4% sau khi tuyên bố mua lại chi nhánh của SVB ở Anh với giá 1 Bảng.

Số lượng ngân hàng sụp đổ qua các năm. Nguồn: Reuters.
Số lượng ngân hàng sụp đổ qua các năm. Nguồn: Reuters.

Đợt bán tháo hôm 13/3 một phần là do lo ngại người gửi sẽ ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng cùng khu vực, đặc biệt là bởi những khách hàng có số dư trên 250.000 USD được bảo hiểm liên bang chi trả.

Việc dự đoán lãi suất sắp tới sẽ tăng cũng tạo ra làn sóng khắp các thị trường. Các nhà đầu tư cho rằng có 50% cơ hội lãi suất sẽ giữ nguyên, và giảm vào nửa cuối năm.

"Ngay cả khi sự sụp đổ của một số ngân hàng hạng trung không phát triển thành một cuộc khủng hoảng toàn hệ thống, thì khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn rất cao", ông Paul Ashworth, Nhà kinh tế Bắc Mỹ tại Capital Economics, cho biết.

 

Trước những khó khăn trước mắt, các ngân hàng lớn của Mỹ đã mất khoảng 90 tỉ USD giá trị thị trường chứng khoán vào ngày 13/3, nâng khoản lỗ trong ba phiên giao dịch vừa qua lên gần 190 tỉ USD.

Các ngân hàng khu vực Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cổ phiếu của First Republic Bank đã giảm hơn 60%, Western Alliance Bancorp và PacWest Bancorp cũng vậy.

Chỉ số ngân hàng STOXX của Châu Âu đóng cửa thấp hơn 5,7%. Commerzbank của Đức giảm 12,7% và Credit Suisse giảm 9,6% xuống mức thấp kỷ lục. Cổ phiếu ngân hàng ở châu Á cũng kéo dài đà giảm, với các ngân hàng lớn của Úc như ANZ, Westpac và NAB đều giảm hơn 2%.

Tiếp cận tiền gửi

Khách hàng của SVB sẽ có quyền truy cập vào tất cả các khoản tiền gửi kể từ ngày 13/3 và các cơ quan quản lý đã thiết lập một cơ sở mới để cung cấp cho các ngân hàng quyền truy cập vào các quỹ khẩn cấp. FED đã tạo điều kiện vay dễ dàng hơn cho các ngân hàng phòng trường hợp khẩn cấp.

Các nhà quản lý ngân hàng Mỹ đã tìm cách trấn an những khách hàng xếp hàng bên ngoài trụ sở chính của SVB ở Santa Clara, California: "Hãy thoải mái giao dịch kinh doanh như bình thường. Chúng tôi chỉ cần một chút thời gian vì số lượng cần xử lý quá nhiều", nhân viên FDIC Luis Mayorga nói.

Các cơ quan quản lý cũng nhanh chóng tiến hành đóng cửa Ngân hàng Signature Bank New York, vốn đã chịu áp lực trong những ngày gần đây.

Hệ quả

Trên thị trường tiền tệ, các chỉ số về rủi ro tín dụng ở Mỹ và hệ thống ngân hàng khu vực đồng euro đã tăng lên. Được thúc đẩy bởi các dự đoán rằng FED có thể phải giảm tốc độ tăng lãi suất, giá vàng, tài sản trú ẩn an toàn phổ biến, đã tăng vọt vượt mức 1.900 USD.

Các công ty trên toàn cầu có tài khoản tại SVB đã gấp rút đánh giá tác động đối với tình hình tài chính của họ. Tại Đức, ngân hàng trung ương đã triệu tập nhóm xử lý khủng hoảng để đánh giá hệ quả.

Sau các cuộc đàm phán kéo dài vào cuối tuần, HSBC đã quyết định mua chi nhánh SVB của Anh với giá một bảng Anh (1,21 USD).

Mặc dù SVB Vương quốc Anh còn nhỏ, nhưng sự sụp đổ đột ngột đã thúc đẩy chính phủ can thiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp startup của Anh và đặc biệt là lĩnh vực công nghệ sinh học.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã lên tiếng rằng không có lo ngại về rủi ro hệ thống. Ông Sunak nói: “Các ngân hàng của chúng tôi có vốn tốt, thanh khoản cao.”

Ở Trung Quốc, nơi SVB là ngân hàng nước ngoài chính của phần lớn các công ty khởi nghiệp, các doanh nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang tranh giành các nguồn vốn thay thế.

Có thể bạn quan tâm:

 Thị trường lao động Mỹ vẫn rất "cứng cỏi"

Nguồn Reuters