Thứ Tư | 18/12/2013 11:11

Có nên áp dụng mô hình tăng trưởng bền vững của Singapore?

Sự hỗ trợ của chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc đưa Singapore trở thành thành phố thân thiện với môi trường.
Với dân số hơn 5 triệu người, Singapore là một trong những thành phố có mật độ dân cư đông nhất trên thế giới - nhưng đây cũng là một trong những thành phố xanh nhất châu Á. Hiện nay, các thành phố ở châu Á đang tìm cách áp dụng mô hình phát triển của Singapore.

John Keung, CEO của Building and Construction Authority, cho biết "Hiện có rất nhiều thành phố lớn trong khu vực châu Á như Kuala Lumpur, Jakarta ... có mức độ đô thị hóa cao. Do vậy, sớm muộn gì chính quyền những thành phố này cũng phải áp dụng các biện pháp đảm bảo phát triển bền vững."

Kể từ năm 2005, hơn 1.650 tòa nhà tại Singapore có thiết kế thân thiện với môi trường, và chính phủ nước này đang có kế hoạch tăng số lượng tòa nhà "xanh". Theo kế hoạch phát triển bền vững của Singapore, một số "mục tiêu xanh" vào năm 2030 bao gồm nâng tỷ lệ tái chế lên 70%; tăng hiệu quả sử dụng năng lượng lên 35%, và đưa số lượng tòa nhà được cấp chứng nhận "xanh" lên 80% .

Theo kiến trúc sư Liu Thai-Ker, chủ tịch của Liveable Cities, sự hỗ trợ của chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc đưa Singapore trở thành thành phố thân thiện với môi trường.

Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã bắt đầu coi Singapore là mô hình phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình phát triển đô thị tương tự như Singapore không hề dễ dàng. Chi phí để áp dụng thành công mô hình này khá cao và đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính của chính quyền thành phố.

Henry Steed, giám đốc của ICN Design International, cho biết "Singapore là một quốc gia-thành phố. (Tuy nhiên), tại các quốc gia ở châu Á như Thái Lan có rất nhiều thành phố thiếu cả nguồn lực lẫn công nghệ (để có thể áp dụng mô hình phát triển tương tự như Singapore)."

Nguồn Dân Việt/CNBC


Sự kiện