Thứ Tư | 23/10/2013 09:00

Có một châu Âu khắc khổ và đói kém

Thất nghiệp hàng loạt, đặc biệt trong giới trẻ; 120 triệu người đang sống trong nghèo túng hoặc bên bờ vực của nghèo khó...
Hàng triệu người đang phải xếp hàng chờ phân phát thực phẩm miễn phí, không có tiền mua thuốc hay đi khám chữa bệnh... Châu Âu đã không còn vẻ hào nhoáng mà thay vào đó là một châu Âu khắc khổ và đói kém.

Tình trạng thất nghiệp ngàu càng trầm trọng ở các nước thành viên EU
Tình trạng thất nghiệp ngàu càng trầm trọng ở các nước thành viên EU

Theo một cuộc khảo sát của Liên minh quốc tế các hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ công bố ngày 10/10, châu Âu đang rơi vào một giai đoạn khó khăn kéo dài và ngày càng sâu sắc với nạn thất nghiệp diễn ra khắp nơi, sự bất bình đẳng ngày càng lớn và tâm lý người dân ngày một bi quan, chán chường. Tất cả được cho là hậu quả của các chính sách khắc khổ mà hàng loạt nước châu Âu đã và đang thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công và tiền tệ suốt 4 năm qua.

Báo cáo dày 68 trang của Liên minh quốc tế các hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ nhấn mạnh "trong khi các châu lục khác đạt được thành công trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo thì châu Âu là góp thêm vào tình trạng này. Các hậu quả dài hạn của cuộc khủng hoảng vẫn chưa lộ diện. Những vấn đề gây ra của ngày hôm nay sẽ còn được cảm nhận trong hàng thập niên nữa cho dù nền kinh tế có sáng sủa hơn trong tương lai gần... Và chúng ta tự hỏi, với tư cách một châu lục, rằng chúng ta có hiểu cái gì đã tấn công chúng ta hay không".

Bản phê bình gay gắt mà báo The Guardian (Vương quốc Anh) có được về chính sách "thắt lưng buộc bụng" của châu Âu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu đầu từ Hy Lạp vào cuối năm 2009 này không chỉ đặt câu hỏi về đồng tiền chung euro mà còn báo trước một triển vọng cực kỳ u ám cho hàng chục triệu người dân cựu lục địa.

Thất nghiệp hàng loạt, đặc biệt trong giới trẻ; 120 triệu người châu Âu đang sống trong nghèo túng hoặc bên bờ vực của nghèo khó; làn sóng nhập cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng song hành với nguy cơ bất ổn chính trị và tâm lý bài ngoại ở các nước tiếp nhận; nguy cơ bạo loạn xã hội tại châu Âu hiện nay được dự báo cao hơn 2 - 3 lần so với các khu vực còn lại trên thế giới. Ngoài ra, mức độ mất an ninh ngày càng tăng trong tầng lớp trung lưu truyền thống. Tất cả những điều này đang khiến tương lai của châu Âu trở nên bấp bênh hơn bất cứ giai đoạn nào trong kỷ nguyên hậu chiến.

So với năm 2009, có thêm hàng triệu người đang phải xếp hàng chờ phân phát thực phẩm miễn phí, không có tiền mua thuốc hay đi khám chữa bệnh. Hàng triệu người không có việc làm và nhiều người dù vẫn có việc làm những phải trầy trật để nuôi cả gia đình với mức lương thấp mà giá cả thì cứ tăng không ngừng. Theo khảo sát Liên minh quốc tế các hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ, khủng hoảng đã khiến nhiều người từ tầng lớp trung lưu bị đẩy xuống tầng lớp nghèo khó. Số người phải phụ thuộc vào các điểm phân phối thực phẩm của Hội Chữ thập Đỏ tại 22 trong số các nước khảo sát đã tăng tới 75% trong giai đoạn 2009 - 2012.

 Số người sống nhờ vào thực phẩm phân phối miễn phí của Hội Chữ thập Đỏ tại 22 nước châu Âu đã tăng tới 75% kể từ năm 2009 đến 2012.
Số người sống nhờ vào thực phẩm phân phối miễn phí của Hội Chữ thập Đỏ tại 22 nước châu Âu đã tăng tới 75% kể từ năm 2009 đến 2012.


Cuộc khảo sát được tiến hành trong nửa đầu năm nay tại 28 nước Liên minh châu Âu (EU) cùng 14 nước ở khu vực Balkan, Đông Âu và Trung Á. Tại khu vực EU, khảo sát cho thấy tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng không chỉ "khoanh vùng" trong các nước đang phải nhận cứu trợ tại Nam Âu và Ireland mà còn lan tới cả những nước vốn được coi là thành công ở châu Âu như Đức hay một phần báo đảo Scandinavia.

Năm 2012, Hội Chữ thập Đỏ Tây Ban Nha đã phải phát động một cuộc kêu goi người dân nước này giúp đỡ lẫn nhau. Đây là lần đầu tiên họ phải làm việc này. Tại Hy Lạp, tỷ lệ tự tử ở phụ nữ đã tăng ít nhất là gấp hai lần. Nhiều công chức Slovenia đã phải đi làm không lương trong nhiều tháng. Tại Pháp, 350.000 người đã "rơi" xuống dưới ngưỡng nghèo khổ kể từ năm 2008 đến năm 2011. Tại Phần Lan, cứ 5 trẻ em ra đời năm 1987 lại có một em phải điều trị chứng rối loạn tâm lý và tâm thần, liên quan tới sự đình trệ kinh tế tại nước này vào những năm 1990.

Đức vốn được đánh giá cao là không phải chịu tỷ lệ thất nghiệp cao như hầu khắp các nước châu Âu khác, song 25% lực lượng được tuyển dụng ở nước này bị xếp vào tầng lớp thu nhập thấp, gần 50% số việc làm mới được tạo ra từ năm 2008 là những việc có thu nhập thấp, linh hoạt, bán thời gian với rất ít sự đảm bảo và không phúc lợi xã hội. Tháng 7/2012, 600.000 người lao động ở Đức có bảo hiểm xã hội có thu nhập không đủ sống. Những vấn đề này cũng đang ảnh hưởng tới các xã hội giàu có hơn ở châu Âu nhưng Đan Mạch hay Luxemborg.

Tại các nước vùng Baltic và Hungary, có tới 13% dân số đã di cư trong những năm gần đây do khó khăn kinh tế. Khảo sát cũng cho thấy xu hướng di cư nội Âu ngày càng tăng, chủ yếu là từ Đông sang Tây, để tìm việc làm.

Cuộc khủng hoảng việc làm là một trong những vấn đề gây suy giảm nghiêm trọng nhất mà châu Âu và Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) đang phải đối mặt. Trong số hơn 26 triệu người thất nghiệp tại EU, những người đã bị mất việc chiếm tới 11 triệu, cao gần gấp đôi con số của 5 năm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế bùng nổ ở Mỹ.

Khảo sát của Liên minh quốc tế các hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đó cũng ho thấy tác động xã hội là rất lớn. Tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, ngày càng có nhiều thanh niên đã có gia đình quy trở lại sống cùng bố mẹ đẻ, có nhiều thế hệ đang sống chung trong một nhà mà chỉ có một người kiếm tiền. Cảnh những phụ nữ và nam giới từng thuộc lớp trung lưu nay phải ngủ vạ vật trên những con phố ở thủ đô tài chính Milan, Italy, không con là chuyện hiếm.

Số người trẻ thất nghiệp trong một quý ở những nước khảo sát dao động từ 33% đến hơn 60%. Nhưng theo báo cáo này, điều tác động tiêu cực tới các gia đình là tỷ lệ thất nghiệp ở những người trong độ tuổi từ 50 - 64 đã tăng từ 2,8 triệu lên 4,6 triệu tại EU trong giai đoạn 2008 - 2012. Báo cáo này nhấn mạnh con số thất nghiệp trong 24 tháng qua là một chỉ số cho thấy cuộc khủng hoảng ngày một trầm trọng hơn khi tính thêm các yếu tố chi phí sinh hoạt đắt đỏ cộng với nguy cơ bất ổn và cực đoan gia tăng.

Bất chấp thành công của đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức, khoảng cách giàu nghèo cũng đang ngày một nới rộng, làm dấy lên những câu hỏi về sự tồn tại đến bao lâu của mô hình "nền kinh tế thị trường xã hội" truyền thống của EU. Theo Quỹ Bertelsmann của Đức, nước này trong một thập niên qua đã có khoảng 5,5 triệu người dân rơi khỏi tầng lớp trung lưu xuống tầng lớp thu nhập thấp, trong khi chỉ có khoảng 0,5 triệu người vươn lên tầng lớp thu nhập cao.

Nguồn Infonet


Sự kiện