Cơ hội đầu tư vào kinh tế Triều Tiên
→Trump - Kim ký thỏa thuận phi hạt nhân: Chiến tranh sẽ sớm kết thúc
→Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ván bài trong tay Kim Jong-un?
Những cơ hội từ vùng đất vốn kín tiếng này
Nằm giữa chuỗi cung ứng lớn của châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên được đánh giá là có nhiều dư địa để phát triển sau hàng thập kỷ bế quan tỏa cảng. Dù mức sống còn thấp, Triều Tiên lại sở hữu một lực lượng lao động được giáo dục cẩn thận và có chi phí thấp, yếu tố quan trọng đối với một trung tầm sản xuất hàng dệt may và điện tử. Đó là chưa kể đến nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ gồm đất hiếm, sắt, vàng, mangan… với giá trị ước tính đạt 6.000 tỷ USD.
Theo ông Jim Rogers, Chủ tịch Rogers Holdings: "Triều Tiên bây giờ giống như Trung Quốc hồi thập niên 1980. Đây sẽ là quốc gia thú vị nhất thế giới trong vòng 20 năm tới. Mỗi thứ ở Triều Tiên đều là một cơ hội".
Trong khi Mỹ và phương Tây có thể còn thận trọng, Trung Quốc được dự báo sẽ là nhà đầu tư số 1 vào Triều Tiên khi sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào các ngành kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng. Còn tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất kế hoạch phát triển 3 vành đai kinh tế nối liền vùng trung tâm công nghiệp của nước này với Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Các tập đoàn lớn của xứ kim chi như Hyundai, Samsung, Lotte cũng đã lập những nhóm nghiên cứu phân tích tiềm năng đầu tư tại Triều Tiên.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Jason Gerlis, Hãng tư vấn TMF Group cho biết: "Hiện giờ cơ hội kinh doanh tại đây vẫn còn khá thấp. Dường như vẫn còn khoảng cách lớn về công nghệ và kỹ năng lao động, yếu tố quan trọng cho việc kinh doanh. Mặc dù nguyên liệu thô là yếu tố hấp dẫn, sự khác biệt về chính trị có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro".
Quan trọng hơn, dù đang rất cần vốn, Triều Tiên được dự báo vẫn sẽ giữ thái độ thận trọng, không tiếp nhận các khoản đầu tư quá lớn đổ vào nước này trong thời gian ngắn. Bình Nhưỡng cũng sẽ cố gắng đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, để tránh tình trạng phụ thuộc quá mức vào một đối tác.
Getty Images |
Kinh tế Triều Tiên thực sự lớn đến đâu?
Kinh tế Triều Tiên trong năm 2016 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 17 năm nhờ tăng xuất khẩu, sản lượng khai khoáng... Quy mô kinh tế đạt khoảng 32,4 tỷ USD.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đang thổi bùng lên hi vọng việc Triều Tiên sẽ mở cửa nền kinh tế. Đây là một trường hợp rất thú vị đối với các nhà kinh tế học bởi cho đến nay rất ít người biết được kinh tế Triều Tiên thực sự hoạt động ra sao và nó lớn đến cỡ nào?
Triều Tiên đã ngừng công bố các số liệu thống kê kinh tế từ những năm 1960. Tuy nhiên, từ năm 1990, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, cơ quan được coi là nguồn đáng tin cậy nhất về các số liệu kinh tế Triều Tiên, sử dụng các số liệu được biên soạn bởi Chính phủ và các cơ quan tình báo để ước tính.
Báo cáo mới nhất cho thấy, bất chấp các lệnh trừng phạt toàn cầu vì chương trình vũ khí hạt nhân, kinh tế Triều Tiên trong năm 2016 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 17 năm nhờ tăng xuất khẩu và tăng sản lượng khai khoáng cũng như các ngành nghề khác. Quy mô kinh tế đạt khoảng 32,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA lại cho rằng trên thực tế, "sai số GDP có thể lên đến 10 tỷ USD".
Thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên khoảng 1.136 USD/năm. 90% hàng hóa xuất nhập khẩu hiện tại của Bình Nhưỡng là tới Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Triều Tiên đã phát triển rõ rệt kể từ khi ông Kim Jong-un nhậm chức vào tháng 12/2011. Nhiều cải cách, sáng kiến nhằm giải phóng nền kinh tế cũng như nới lỏng sự kiểm soát của chính phủ tới các doanh nghiệp đã được thực hiện.
Ông Joong-ho Kim, Ngân hàng Eximbank Hàn Quốc cho biết: "Có thể nói dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, kinh tế Triều Tiên đã có nhiều thay đổi. Dễ thấy nhất là việc nhiều nhà hàng, quán cà phê được mở ra hay như taxi cũng đã đi lại trên phố thường xuyên hơn".
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, những bước tiến thời gian gần đây như tiến hành thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4/2018 và nay là cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ đương nhiệm đang cho thấy cách tiếp cận mở hơn rất nhiều của ông Kim khi đặt lên bàn đàm phán là chương trình hạt nhân. Đây vốn luôn được coi là "chiếc ô" bảo trợ về an ninh nhưng cũng là "vòng kim cô" lên kinh tế nước này suốt nhiều năm do các biện pháp cấm vận từ phương Tây. Phải chăng nền kinh tế bí ẩn nhất thế giới đang thức giấc?