Có 1.000 tỷ USD tiền mặt nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc không dám chi tiêu
Chưa bao giờ, các doanh nghiệp Trung Quốc lại có quá nhiều tiền nhưng lại quá ít cơ hội đầu tư như bây giờ.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn mở rộng yếu ớt nhất trong suốt 25 năm, vừa qua các doanh nghiệp Trung Quốc (gọi tắt là nhóm China Inc.) cho biết chỉ trong quý II, khối lượng tiền mặt của nhóm này đã tăng 18% - mạnh nhất 6 năm và tăng mạnh hơn cả các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Động thái này đã đưa khối lượng tiền mặt của China Inc. lên 1.200 tỷ USD – lớn hơn khối lượng tiền mặt dự trữ của tất cả các ngân hàng và công ty môi giới.
Tuy rằng việc nhiều tiền không phải là vấn đề quá lớn, nhưng trữ lượng tiền mặt bất thường của China Inc. làm cả giới làm chính sách lẫn nhà đầu tư cảm thấy bực dọc. Bởi lẽ, điều đó cho thấy các doanh nghiệp đang thiếu niềm tin để đầu tư vào những dự án mới, nỗ lực của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng bằng cách bơm tiền vào hệ thống tài chính lại hóa ra bằng không. Trong khi đó, cổ đông sẽ đợi chi trả cổ tức lớn hơn hoặc là mua lại cổ phiếu chứ không đổ tiền vào bảng cân đối kế toán.
“Thực sự điều này đã trở thành một vấn đề ngày càng lớn”. Herald van der Linde, giám đốc chiến lược cổ phiếu tại HSBC Holdings Châu Á Thái Bình Dương nhận định. “Tiền mặt đã trở thành chủ đề chính trong những cuộc tranh luận gần đây”.
Trữ lượng tiền mặt tăng thay vì đầu tư tăng là vấn đề khá mới đối với một quốc gia mà các doanh nghiệp có mức độ chấp nhận rủi ro cao như Trung Quốc. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sâu xuống mức dưới 7% kể từ mức 2 con số, sự thay đổi trong tư duy đã bắt đầu thể hiện ra hành động. Năm ngoái, tốc độ gia tăng đầu tư vào tài sản cố định của nhóm doanh nghiệp tư nhân đạt đỉnh 10%, trong khi 6 tháng đầu năm nay đã giảm xuống chỉ còn 2,8% - mức thấp nhất lịch sử.
Không phải doanh nghiệp nào ở Trung Quốc cũng có quá nhiều tiền mặt. Trong khi nhóm doanh nghiệp thuộc những ngành kinh tế cũ bao gồm công nghiệp, năng lượng và nguyên liệu gặp khó khăn thì các doanh nghiệp trong ngành công nghệ và tiêu dùng lại dư thừa tiền mặt dự trữ.
Một nỗi niềm khác của vấn đề này đó chính là làm sao để tái tài trợ nợ trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm tốc. Từ giờ đến cuối năm, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khoản nợ nước ngoài trị giá 3.000 NDT (452 tỷ USD) đến hạn trả.
“Rất khó để kêu gọi vốn trong điều kiện hiện nay khi mà cả thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu đều đang èo uột”. Alex Wong – người quản lý khoảng 100 triêu USD tại Ample Capital Hong Kong nhận định.
Trung Quốc không chỉ là quốc gia duy nhất phải đối mặt với vấn đề này. Năm ngoái, số tiền dự trữ mà các doanh nghiệp Nhật Bản nắm giữ đã chạm đỉnh – một dấu hiệu cho thấy biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ đã không làm tốt vai trò phục hồi tốc độ phát triển tại nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á này.
Tuy nhiên tốc độ gia tăng trữ lượng tiền mặt tại Trung Quốc vẫn cao nhất – 18%. Con số này ở Nhật Bản là 13%, Mỹ là 5% và châu Âu chỉ 1%.
Mặc dù nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng các nhà làm chính sách Trung Quốc trong năm nay trị giá tới 9.800 tỷ NDT, ngành sản xuất vẫn suy thái trong khi ngành dịch vụ tăng trưởng chậm hơn mức trung bình 5 năm.
“Chính phủ đang nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy nền kinh tế thông qua đầu tư, tuy nhiên nhóm doanh nghiệp tư nhân vẫn không có đáp trả gì bởi họ đang không tự tin”. Francis Cheung – giám đốc chiến lược tại CLSA Hong Kong và Trung Quốc nhận định.
Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc không thể tìm thấy dự án hứa hẹn, họ sẽ phải trả lại tiền cho cổ đông. Tăng cổ tức chi trả có thể là một các để an ủi nhà đầu tư. “Nếu hành động này trở thành một trào lưu để các doanh nghiệp giữ lại toàn bộ tiền mặt, nó sẽ tạo ra những lo lắng về sức hấp dẫn của cổ phiếu Đại lục”. Wan nhận định.
Nguồn Bloomberg/Trí thức trẻ