Ảnh: Getty Images.
Chuyện chưa kể về đồng tiền kiên cường nhất thế giới
Vào tháng 2/1998, thời điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, đồng baht Thái Lan đã không tránh khỏi bị ảnh hưởng, dẫn đến một cuộc khủng hoảng hàng loạt về tiền tệ và thị trường. Trên khắp khu vực, những người biểu tình tràn xuống đường phố và sự hỗn loạn lan rộng. Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới chạy đua để làm chậm sự lây lan toàn cầu, Thái Lan và các nước láng giềng đã chìm vào suy thoái.
Nền kinh tế Thái Lan suy giảm gần 20% do chứng khoán giảm hơn 60% và đồng baht mất hơn một nửa giá trị so với đồng USD. Giá cả ở Bangkok trở nên rẻ không tưởng. Thời điểm đó, nhà đầu tư Ruchir Sharma, Chủ tịch của Rockefeller International, đang ở Thái Lan và cho biết ông đã không dám bắt đáy cổ phiếu vì còn quá nhiều bất ổn, tuy nhiên, ông đã rời xứ chùa vàng với rất nhiều túi mua hàng và hai bộ đồ chơi gôn, một bộ để làm quà.
Trong khi “bộ phim truyền hình” năm đó được ghi vào lịch sử, thì phần kết lại gây bất ngờ. Kể từ đầu năm 1998, Thái Lan đã trở nên mờ nhạt trên radar toàn cầu nhưng đồng baht đã chứng tỏ khả năng phục hồi phi thường, giữ giá trị của nó so với đồng USD tốt hơn bất kì đồng tiền nào ở nền kinh tế mới nổi và tốt hơn tất cả ở các nước phát triển, trừ đồng Franc Thụy Sĩ.
Ngược lại, ở Indonesia, nơi cuộc khủng hoảng năm 1998 đã lật đổ nhà độc tài Suharto, đồng rupiah giao dịch gần 15.500 đổi một USD, so với mức 2.400 trước cuộc khủng hoảng. Còn thời điểm đó, đồng baht giao dịch ở mức 33 đổi một USD, so với mức 26 bath trước cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, Thái Lan vẫn không trở nên quá đắt đỏ: một du khách nước ngoài có thể tìm thấy một phòng khách sạn 5 sao với giá dưới 200 USD/đêm, một bữa tối ngon ở Phuket với giá 30 USD. Mặc dù đồng baht mạnh, Thái Lan vẫn có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Tâm điểm của cuộc khủng hoảng giờ đây đã trở thành mỏ neo cho sự ổn định và là bài học cho các nền kinh tế mới nổi khác.
Sau năm 1998, nhiều xã hội mới nổi trở nên bảo thủ về tài chính, đặc biệt là những xã hội bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Á. Các ngân hàng Indonesia đã đi từ chủ nghĩa thân hữu không rõ ràng sang các mô hình quản lý tốt hơn. Philippines và Malaysia chuyển sang kiềm chế thâm hụt. Nhưng không một chính phủ nào trong khu vực chuyển sang kinh tế chính thống hơn ở Thái Lan.
Đông Nam Á đã phục hồi vào năm 2000. Kể từ đó, thâm hụt ngân sách chính phủ của Thái Lan trung bình là 1% tổng sản phẩm quốc nội, thấp hơn một nửa mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi. Ngân hàng trung ương của nước này cũng thận trọng tương tự, giữ lãi suất tương đối cao và cung tiền rộng rãi tăng trưởng 7%/năm, thấp thứ ba trong số các nền kinh tế lớn mới nổi.
Phần thưởng cuối cùng mà hệ thống tài chính mới mang lại cho Thái Lan là lạm phát thấp. Lạm phát của Thái Lan trung bình chỉ hơn 2%, bằng với Mỹ, một kỳ tích hiếm có đối với một quốc gia mới nổi. Trong số các nền kinh tế mới nổi khác, chỉ có Trung Quốc, Đài Loan và Ả-rập Xê-út có lạm phát thấp hơn Thái Lan kể từ năm 1998.
Trước cuộc khủng hoảng, Thái Lan đã neo đồng baht với đồng USD, điều này cho phép nước này vay mượn nhiều ở nước ngoài và gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ. Khi người nước ngoài mất niềm tin vào Thái Lan, chính phủ buộc phải bỏ neo và cho phép đồng baht thả nổi tự do. Sự sụp đổ của Thái Lan xảy ra sau đó, nhưng đồng baht đã phục hồi các khoản lỗ và trở thành một trong những đồng tiền ít biến động nhất.
Thu nhập nước ngoài ổn định đã giúp Thái Lan vẫn là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất. Thương mại đã tăng từ 80% GDP năm 1998 lên hơn 110% vào thời điểm hiện tại. Giờ đây thâm hụt đã nhường chỗ cho thặng dư, khi Thái Lan phát huy thế mạnh về du lịch và sản xuất, vốn tạo ra 1/4 GDP.
Trong cuộc khủng hoảng, ông Sharma đã lái xe trên một đường cao tốc bốn làn mới ra khỏi Bangkok, để xem các nhà máy mọc lên trên những ngọn đồi rải rác những ngôi chùa ở bờ biển phía đông. Kể từ đó, những cơ sở sản xuất này đã tiếp tục phát triển, chẳng hạn như gần đây từ sản xuất ô tô chuyển thành phụ tùng xe điện và thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, các điểm nóng du lịch xung quanh Phuket và Koh Samui mở rộng cùng với những bước đột phá mới trong các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Kể từ cuộc khủng hoảng, du lịch đã tăng hơn gấp đôi tỷ trọng trong GDP lên 12%, trở thành một nguồn thu ngoại tệ lớn không tưởng. Hầu hết các quốc gia có ngành du lịch lớn đều là những hòn đảo nhỏ.
Thái Lan cũng có những khiếm khuyết, bao gồm các khoản nợ hộ gia đình nặng hơn và dân số già đi nhanh hơn so với hầu hết các quốc gia khác. Mặc dù vậy, thu nhập bình quân đầu người của xứ chùa vàng đã tăng hơn gấp đôi lên gần 8.000 USD, tăng từ 3.000 USD trước cuộc khủng hoảng.
Hơn nữa, Thái Lan đã đạt được sự ổn định tài chính bất chấp những biến động chính trị liên tục, bao gồm bốn hiến pháp mới trong 25 năm qua. Bằng cách vượt qua những thách thức mà đồng franc Thụy Sĩ chưa từng gặp phải, đồng baht của Thái Lan đã khẳng định được vị thế đồng tiền linh hoạt nhất thế giới của mình và trở thành một ví dụ điển hình về mặt tích cực của kinh tế chính thống.
Có thể bạn quan tâm:
Các nền kinh tế lớn nhất thế giới theo thời gian
Nguồn FT