Chương trình kinh tế của Trump chỉ còn là dĩ vãng?
Bài viết này thể hiện quan điểm của ông Barry Ritholtz, nhà sáng lập dịch vụ tư vấn Ritholtz Wealth Management, kiêm nhà bình luận của Bloomberg View.
Trong tháng 2, tôi đã cảnh báo rằng Tổng thống Donald Trump đang lặp lại những sai lầm ban đầu của người tiền nhiệm. Vào tháng 3, tôi đã lưu ý rằng khả năng thông qua các chương trình kinh tế quan trọng của chính quyền Trump đã giảm đáng kể. Kỳ này là lời cảnh báo đáng sợ nhất, với những hậu quả rất lớn lên thị trường chứng khoán.
Chúng ta hãy bắt đầu với sự thật hiện tại rằng việc Trump thể hiện được những phẩm chất xứng đánh với một tổng thống hơn vẫn chưa xảy ra, và có nhiều tín hiệu cho thấy chúng sẽ không bao giờ tới. Những người trong chúng ta đặt hy vọng về một cuộc cải cách thuế doanh nghiệp toàn diện, hồi hương hàng nghìn tỷ USD, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, và thậm chí là giảm thuế thu nhập cá nhân, sẽ nhận ra rằng đó chỉ là ảo vọng. Cơ hội hiện tại chỉ ngang với những cái cửa sổ ở Nam Florida trong mùa mưa bão.
Tin tốt lành là nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng khi lợi nhuận của giới doanh nghiệp, tăng lên và sự phục hồi sau khủng hoảng tín dụng tiếp tục tăng. Thậm chí là không cần các chương trình của Trump, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bình thường hóa lãi suất, thì nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng thêm vài năm nữa trước khi nó suy giảm theo chu kỳ.
Những tin xấu là những rạn nứt tự gây ra bởi Trump, vị tổng thống có tính kỷ luật kém nhất trong lịch sử, nhiều khả năng hủy hoại cơ hội của chính ông trong việc thông qua các biện pháp kích thích kinh tế nói trên. Bộ ba kế hoạch cải cách thuế, hồi hương các khoản tiền ở nước ngoài và đầu tư cơ sở hạ tầng có thể tạo ra một cơ sở vững chắc cho kinh tế Mỹ trong vài thập kỷ tới. Đó là di sản của Ronald Reagan, người đã tạo ra một giai đoạn tăng trưởng kinh tế "mỗi thế hệ chỉ có một lần" với lợi ích kéo dài 30 năm tiếp theo.
Trump không phải là Reagan. Trump bắt đầu nhiệm kì cũng với cơ hội "mỗi thế hệ chỉ có một lần", do sự thắng thế của Đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng lẫn Quốc hội. Vào ngày 9/11, tôi đã nghĩ rằng xác suất thông qua một chương trình nghị sự kinh tế mạnh mẽ ở mức 96%. Ngày Trump nhậm chức, sự lạc quan của tôi đã bị rạn nứt. Vào tháng 3, tôi đã hạ thấp xác suất này xuống 75%. Bây giờ tôi chỉ đánh giá xác suất đó là 25 %, và thậm chí như vậy còn có thể là hơi lạc quan.
Hãy dành ra một phút để nghĩ về cơ hội bị bỏ lỡ đó.
Điều đáng ngạc nhiên là mỗi một sai sót của Trump đều là xảy ra khi không có sức ép nào. Tổng thống đã tự đá bóng phản lưới nhà, thổi bay mọi cơ hội. Chúng ta hẳn sẽ rất bực bội về sự kém cỏi này.
Phải chi Trump chỉ đơn giản là lặp lại những sai lầm của Barack Obama lúc mới nhậm chức, nhưng những gì chúng ta đã chứng kiến từ khi ông nhậm chức tới giờ thì còn tệ hơn nhiều. Ông mời FBI điều tra - thông qua Twitter! – và kết quả là mang lại những lời khai nghiêm trọng từ một cựu giám đốc FBI (James Comey) và một cuộc điều tra đặc biệt từ người kế nhiệm (Andrew McCabe). Các đồng minh của Trump tại Quốc hội rời xa ông vì những lý do vặt vãnh. Các nhân viên dưới quyền ông lo ngại một ngày nào đó họ cũng sẽ bị ông sa thải. Trump cũng gây hấn với cộng đồng tình báo và cánh báo chí, trừ Fox News (và thậm chí mối quan hệ của ông với hãng này cũng bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt). Ông cũng cho thấy mình không hiểu được trách nhiệm và ảnh hưởng của vai trò Tổng thống.
Trump đang dần bị xa lánh. Ông đang gặp vấn đề với việc thuê tư vấn bên ngoài: có tin là bốn công ty luật hàng đầu đã từ chối ông. Việc từ chức của các quan chức trong nội các, hay của các nhà tư vấn (Elon Musk, Bob Iger) cũng đang gia tăng. Các quan chức Bộ Ngoại giao cũng thể hiện sự bất mãn. Hàng trăm vị trí quan trọng đã bị bỏ trống vì mọi người ngày càng cảm nhận được rằng việc chấp nhận làm cho Trump sẽ hủy hoại sự nghiệp của họ.
Chưa đầy 6 tháng sau khi Trump vào Nhà trắng, ông đã cho thấy mình là người không có kỷ luật, khả năng hoạch định, suy nghĩ thấu đáo hoặc sự trưởng thành. Khi bạn nắm số phận của 325 triệu người trong tay, chưa kể phần còn lại của thế giới, bạn nên thực hiện nghĩa vụ đó một cách nghiêm túc.
Đây là lúc các nhà đầu tư nên giận dữ. Tôi không phải là nhà tiên tri, nhưng tôi có thể tưởng tượng một vài kịch bản, được trình bày ở đây theo thứ tự xác suất:
Trì hoãn kéo dài: Trường hợp xấu nhất là các cuộc điều tra hiện tại sẽ kéo dài vài năm. Một chuỗi lời khai, những lời buộc tội và những buổi điều trần không hồi kết nghĩa là các chương trình kinh tế sẽ không bao giờ được kích hoạt. Sự lo lắng sẽ lan ra tới người tiêu dùng và nhà đầu tư. Xác suất: 50%.
Tổng thống Pence: Trump, người mà tôi nghi ngờ chưa bao giờ thực sự muốn làm tổng thống, quyết định với ông thế là đủ. Ông đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông, đảng Dân chủ, nội bộ chính phủ chia rẽ, hoặc bất cứ điều gì ông nghe được trên Fox News ngày hôm đó và từ chức trước khi mùa bầu cử 2018 bắt đầu. Ông Mike Pence tiếp quản vị trí Tổng thống và nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng nhằm thông qua một kế hoạch hồi hương các khoản tiền ở nước ngoài và thúc đẩy kế hoạch cơ sở hạ tầng. Sau thành công đó, ông thực hiện một cuộc cải cách thuế doanh nghiệp đầy đủ, thậm chí bao gồm cả cắt giảm thuế. Xác suất: 30%.
Các cuộc bầu cử giữa kì vào năm 2018: Richard Clarida, kinh tế gia và cố vấn của PIMCO, thấy rằng các tổng thống thường có một khoảng thời gian 14 tháng để thực hiện chương trình nghị sự của họ trước khi Quốc hội bắt đầu tập trung vào các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong đó đảng kiểm soát Nhà Trắng thường bị mất ghế (ví dụ đảng Dân chủ của ông Obama đã mất quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kì năm 2014). Có lẽ sự bực bội sẽ lắng xuống, các cuộc điều tra chẳng đem đến điều gì, và một tổng thống với nhiều tì vết sẽ hoàn thành nhiệm kỳ duy nhất của mình. Tỷ lệ: 20%.
Một sự thay đổi toàn diện: Tổng thống và vị luật sư cá nhân thân cận của ông được chứng minh là đúng. Ông hoàn toàn được minh oan. Các cuộc điều tra không tìm thấy sự thông đồng với người Nga hay hành vi cản trở công lý. Giành được chiến thắng chính trị, Trump sẽ thể hiện được các phẩm chất của một thổng thống. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và thậm chí những người phản đối ông cũng có thiện cảm với ông. Chương trình của ông sẽ được thực hiện, và một thế kỷ của hòa bình và thịnh vượng bắt đầu. Xác suất: Tôi không biết nên dùng đơn vị phần trăm hay phần nghìn.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg