Chuông báo động đang reo tại một trong những thành viên hùng mạnh nhất OPEC
Một trong những trụ cột tạo nên sức mạnh cho kinh tế Qatar chính là hoạt động tín dụng bùng nổ. Tuy nhiên, một số chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm từ hiện tượng này.
Qatar được coi là một những những nền kinh tế hùng mạnh nhất ở Trung Đông. Đất nước này duy trì được tăng trưởng GDP thực ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây và vẫn là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới nếu xét trên tiêu chí thu nhập bình quân đầu người.
Qatar cũng là một trong những thành viên có các điều kiện tốt nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo số liệu ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nước này chỉ giành khoảng 0,6% GDP (tương đương 1,2 tỷ USD) cho các chương trình trợ cấp năng lượng trong năm 2015. Ngược lại các thành viên khác của OPEC đã lao đao bởi giá dầu giảm.
Một trong những trụ cột tạo nên sức mạnh cho kinh tế Qatar chính là hoạt động tín dụng bùng nổ. Tuy nhiên, một số chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm từ hoạt động này.
“Chúng tôi lo ngại rằng cơn sốt tín dụng ở Qatar là không bền vững và có thể trở thành một mối nguy lớn đối với sự ổn định của hệ thống tài chính”, chuyên gia kinh tế Trung Đông Jason Tuvey của Capital Economics nhận định.
“Một cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng Qatar nên bắt đầu quá trình giải chấp ngay trong những năm tới. Điều này sẽ đè nặng lên tiềm năng tăng trưởng kinh tế”.
Tuvey chỉ ra 3 yếu tố chính khiến ông lo ngại về triển vọng kinh tế Qatar.
Thứ nhất, tín dụng đang tăng trưởng ở mức đáng báo động. 5 năm qua, trung bình lượng tín dụng cung cấp cho khu vực tư nhân đã tăng trưởng hơn 15% mỗi năm. Trước đây IMF đã từng cảnh báo tỷ lệ nợ của khu vực tư nhân tăng trưởng hơn 3 điểm phần trăm mỗi năm có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về tình trạng căng thẳng của hệ thống tài chính.
Tín dụng tăng trưởng quá nóng sẽ thổi phồng bong bóng, đặc biệt là đối với khu vực bất động sản, nơi tín dụng tăng trưởng hơn 30% mỗi năm. Tốc độ tăng giá nhà đất ở Qatar đã tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy 4 năm. Nếu thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn điều chỉnh, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, tiền cho vay lại đang được tài trợ bằng tiền đi vay nước ngoài. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi đã tăng mạnh, trong khi nợ nước ngoài hiện chiếm gần 30% tổng nợ của các ngân hàng. Nhớ lại năm 2009, tỷ lệ này ở Các tiểu vương quốc Arab đã chạm ngưỡng 25% trước khi bong bóng tín dụng vỡ tung.
Tuy nhiên, theo Tuvey, mặc dù một số ngân hàng có thể gặp rắc rối, có nhiều lý do để nghĩ rằng Qatar sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng trên toàn bộ hệ thống, dù quá trình giải chấp là không thể tránh khỏi. Do đó đây là một “cơn gió ngược” khác gây khó cho Qatar, ngoài sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ.
Nguồn BI/Trí thức trẻ