Đường sá được sửa chữa ở Schuld, Đức ngày 17.7, sau trận mưa lũ lớn. Ảnh: Ảnh: Reuters.
Chuỗi cung ứng toàn cầu oằn mình chống chọi lũ lụt và biến chủng Delta
Theo CNBC, làn sóng COVID-19 mới trên toàn cầu, thiên tai ở Trung Quốc và châu Âu, một cuộc tấn công mạng nhằm vào các cảng biển chủ chốt ở Nam Phi. Loạt sự kiện bất lợi này đang đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu tới nguy cơ đứt gãy, đe doạ làm gián đoạn dòng chảy vốn dĩ đã đối mặt nhiều trở ngại của nguyên vật liệu thô, linh kiện và hàng hoá tiêu dung.
“Hiếm có một tuần nào trôi qua mà không có thông tin xấu”, Giám đốc điều hành Tim Huxley công ty vận tải biển Mandarin Shipping chia sẻ.
Với khả năng lây lan mạnh, biến chủng Delta đang hoành hành ở nhiều khu vực tại châu Á, buộc loạt quốc gia đưa ra lệnh cấm thuỷ thủ từ tàu biển lên bờ.
Lệnh cấm khiến các thuyền trưởng không thể thay đội thuỷ thủ đã mệt mỏi sau chuyến đi dài và số thuỷ thủ bị mắc kẹt ngoài biển dù đã xong nhiệm vụ lên tới khoảng 100.000 người. Tình trạng này tương tự như như những gì đã xảy ra trong năm 2020, ở giai đoạn đỉnh điểm của phong toả và đóng cửa.
Vận tải biển chiếm khoảng 90% thương mại toàn cầu, nên cuộc khủng hoảng thuỷ thủ đoàn có thể gây gián đoạn nguồn cung tất cả mọi mặt hàng, từ dầu lửa và quặng sắt tới thực phẩm và đồ điện tử.
Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia bước ra khỏi đại dịch, dần nới lỏng chính sách đóng cửa, giãn cách, thúc đẩy chi tiêu dùng cá nhân đã dẫn đến khủng hoảng vỏ container rỗng, làm cho việc giao hàng bị chậm, đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
Đến tháng 4, vụ siêu tàu chở hàng Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez đã gây ra tình trạng kẹt cứng trên tuyến giao thương huyết mạch này trong gần một tuần.
Trong tháng 6, số ca bùng phát mới tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành miền nam Trung Quốc gây ra tình trạng ách tắc tại nhiều cảng biến, một lần nữa đẩy giá cước vận tải tăng vọt.
Và giờ là câu chuyện đứt gãy kết nối đường sắt cũng như nguồn cung nhiều mặt hàng nông sản do lũ lụt gây ra lần lượt ở châu Âu và Trung Quốc, càng gia tăng sức ép lên các chuỗi cung ứng toàn cầu còn chưa kịp phục hồi từ sau làn sóng trước của COVID-19. Những hoạt động kinh tế hàng nghìn tỉ USD phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng này vì thế cũng bị đặt vào tình thế mong manh.
Mưa lớn kèm lũ lụt đã tàn phá khu vực Tây Âu. Những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nằm ở Đức và Bỉ. Nhiều vùng của Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan cũng chịu ảnh hưởng. “Điều này đang thực sự tạo ra đứt gãy trong chuỗi cung, bởi các tuyến đường sắt đã bị hư hại nặng nề”, ông Tim Huxley nói.
Mưa bão đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều nước châu Âu và Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Trên thực tế, tuyến vận tải đường sắt chạy từ Cộng hòa Czech, Slovakia đến các cảng Rotterdam và Hamburg ở Đức đã bị hủy hoại nghiêm trọng, làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa.
Tác động đứt gãy này mang tính lan tỏa. Đơn cử như với trường hợp của hãng chế tạo thép lớn nhất của Đức Thyssenkrupp, họ không thể tiếp nhận được nguồn nguyên liệu thô đầu vào do lũ lụt. Thyssenkrupp phải ra thông báo về tình trạng “bất khả kháng” trong ngày 16.7 do thảm họa thiên nhiên, để tránh việc các đối tác đòi bồi thường vì vi phạm hợp đồng giao hàng. Ảnh hưởng dây chuyền sẽ là các ngành khác như chế tạo motor, ô tô, đồ gia dụng.
Còn tại Trung Quốc, trận lụt “nghìn năm có một” tại tỉnh Hà Nam đã gây ra đứt gãy nguồn cung than đá và lúa mì. Gián đoạn vận tải đường sắt tại tỉnh miền trung này cũng rất rõ nét. Trịnh Châu, thủ phủ của Hà Nam, là điểm giao kết các tuyến đường sắt cao tốc trục bắc-nam, đông-tây, đi tới nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc.
Ông Nick Klein, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh và tiếp thị của công ty vận tải và logistic Đài Loan OEC Group, cho biết: các công ty đang xoay đủ cách để giải phóng hàng hoá bị mắc kẹt tại các cảng biển châu Á và châu Âu do những sự kiện bất lợi liên tiếp xảy đến. “Chắc phải đến tháng 3 sang năm thì sự ùn ứ này mới có thể được giải toả”, ông Klein nói.
Thách thức về chuỗi cung ứng đang tác động rõ rệt tới Mỹ và Trung Quốc – hai đầu tàu chiếm hơn 40% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Điều này có thể dẫn tới sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới, đồng thời dẫn tới giá cả leo thang đối với tất cả các mặt hàng, từ thành phẩm tới nguyên vật liệu thô. Những số liệu công bố gần đây đều củng cố nhận định rằng kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021.
“Vấn đề công suất ngắn hạn vẫn còn là một mối lo, có thể gây hạn chế sản lượng đối với nhiều công ty trong cả ngành sản xuất và dịch vụ, theo đó đẩy giá cả tăng đồng loạt do nhu cầu vượt nguồn cung”, chuyên gia kinh tế trưởng Chris Williamson của IHS Markit nhận định.
Giá cả tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị hạn chế và biến thể Delta nhanh chóng lan rộng là những chủ đề thảo luận trong cuộc họp của FED diễn ra trong tuần này. Ảnh: TL. |
Ngoài ra, biến chủng Delta - nhân tố buộc các ngân hàng trung ương phải gác lại kế hoạch thắt chính sách tiền tệ, đang khiến số ca nhiễm mới ở Mỹ tăng mạnh. Điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải thận trọng hơn trong kế hoạch rút lại các chính sách siêu nới lỏng thời đại dịch, cho dù lạm phát đang vượt xa mục tiêu.
Chưa hết, một vụ tấn công mạng hồi tuần trước nhằm vào các cảng biển ở Cape Town và Durban, khiến các cảng này càng thêm phần rối loạn.
Các chuyên gia vận tải biển nói rằng các cảng biển trên toàn cầu đang ở trong tình trạng tắc nghẽn chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Tuần trước, Hiệp hội Cảng biển Trung Quốc nói rằng công suất vận tải hàng hoá bằng đường biển của nước này tiếp tục bị thắt chặt. Trong khi đó, “ngành sản xuất ở Đông Nam Á, Ấn Độ và các khu vực khác đang bị ảnh hưởng bởi sự nổi lên của đại dịch, khiến nhiều đơn hàng được chuyển sang Trung Quốc”.
Rõ ràng, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị thách thức trước hàng loạt sự kiện bất lợi. Đây sẽ là bài toán hóc búa dành cho nhiều chính phủ và các nhà hoạch định chính sách.
Có thể bạn quan tâm: