Chủ Nhật | 23/09/2012 14:02

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa do căng thẳng Trung-Nhật

Căng thẳng do tranh chấp đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể gây mất ổn định chuỗi cung ứng, tăng áp lực suy giảm kinh tế toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản dừng hoạt động tại Trung Quốc

Trong những ngày gần đây, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản, từ sản xuất ô tô tới điện tử và bán lẻ đã đóng cửa hàng và nhà máy ở Trung Quốc do biểu tình liên quan đến tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư ở nước này tiếp tục lan rộng.

Ngày 17/9, các công ty Nhật Bản bao gồm Canon, Lion, Panasonic tuyên bố ngừng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.

Sau đó một ngày, hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới Toyota cũng tuyên bố ngừng một số hoạt động sản xuất trong khi một loạt các hãng sản xuất ô tô khác như Nissan, Honda và Mazda cũng dự định đóng cửa tạm thời các nhà máy liên doanh tại Trung Quốc.

Hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản ngừng hoạt động tại Trung Quốc do tranh chấp đảo.
Hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản ngừng hoạt động tại Trung Quốc do tranh chấp đảo.

Cũng trong ngày 18/9, hãng bán lẻ khổng lồ của Nhật Bản là Seven & i Holdngs buộc phải tạm thời đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Bắc Kinh và Thành Đô. Một hãng bán lẻ khác là Fasst Retailing cũng tuyên bố đóng cửa 42 trên tổng số 145 cửa hàng ở Trung Quốc.

Hãng sản xuất máy móc xây dựng Komatsu trong hai ngày 17 và 18/9 đã cho dừng tất cả hoạt động và đóng cửa mọi nhà máy sau khi đoàn người biểu tình ném đá vào một cở sở sản xuất của họ hôm 16/9.

Động thái này diễn ra sau khi các cuộc biểu tình chống Nhật Bản diễn ra trên khoảng 85 thành phố ở Trung Quốc nhằm phản đối việc Nhật Bản trước đó tuyên bố sẽ quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Tranh chấp Trung-Nhật gây mất ổn định chuỗi cung ứng

"Từ góc độ kinh tế, tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ gây ra tác động nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương như hiện nay", chuyên gia kinh tế cao cấp Maritza Cabezas tại ABN Amro cho biết trong cuộc họp báo tại Hong Kong vào ngày 18/9.

"Nhật Bản là nước đóng vai trò chủ yếu trong chuỗi cung ứng sản xuất. Trong bối cảnh các nền kinh tế liên kết chặt chẽ với nhau như hiện nay, các công ty Nhật Bản ngừng hoạt động tại Trung Quốc sẽ gây ra tác động lớn đến nền kinh tế", bà Cabezas cho biết.

Mức độ gián đoạn chuỗi cung ứng do tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn so với trận động đất kèm sóng thần diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 3 năm ngoái, đồng thời cũng làm tăng thêm áp lực suy giảm đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ (GDP) giảm 0,5% do mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa nước này và Nhật Bản, nhà kinh tế Maritza Cabezas cho biết.

Tranh chấp Trung-Nhật có thể gây mất ổn định đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tranh chấp Trung-Nhật có thể gây mất ổn định đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, báo cáo của Hiệp hội đại lý ô tô Trung Quốc vừa công bố cho biết các cuộc biểu tình đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến doanh số bán hàng của các hãng Toyota, Nissan và Honda Motor mạnh hơn so với thảm họa động đất, sóng thần diễn ra vào tháng 3/2011.

Đồng thời, căng giữa Nhật Bản và Trung Quốc làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc phục hồi tăng trưởng của 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng tồi tệ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu

Trong năm 2011, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của nước này.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, trong năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật Bản đạt 148,3 tỷ USD trong khi nhập khẩu của nước này đối với hàng hóa Nhật Bản đạt 194,6 tỷ USD.
Tác động của các nền kinh tế phương Tây đối với Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) ngày càng sâu sắc cũng gây ra rủi ro đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Mới đây, ABN Amro đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 8% xuống 7,5% trong năm 2012, làm nổi bật ảnh hưởng của các nền kinh tế phương Tây đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Nhà kinh tế Cabezas cho biết: "Một trong những vấn đề của kinh tế toàn cầu - trong giai đoạn khó khăn hay thuận lợi - đó là hội nhập và điều này ảnh hưởng lớn kinh tế châu Á. Trên thực tế, hoạt động thương mại đã bắt đầu giảm do ngân hàng các nước eurozone tập trung giải quyết khủng hoảng nợ để duy trì cán cân thương mại".

Hoạt động thương mại Trung Quốc giảm do cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Hoạt động thương mại Trung Quốc giảm do cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Trong báo cáo thường niên về ổn định tài chính toàn cầu công bố vào tháng 4, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương châu Âu sẽ điều chỉnh cân đối kế toán với 2,6 nghìn tỷ USD trong vòng 18 tháng tiếp theo.

Để đối phó với tình hình khó khăn trên, các ngân hàng cho vay châu Á có tình trạng tài chính tốt đã bù đắp sự rút vốn của các ngân hàng châu Âu bằng cách tăng sự hiện diện của họ tại khu vực.

"May mắn là có những ngân hàng cho vay khác bù đắp sự suy giảm do thương mại do khu vực đồng tiền chung châu Âu gây ra, vì thế ảnh hưởng tiêu cực sẽ không quá lớn. Trung Quốc là nước xuất khẩu ròng, do đó trường hợp này không phải là vấn đề đáng lo ngại".

Tuy nhiên, thiệt hại vẫn có thể nhận thấy được trong thương mại. Sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 sang châu Âu giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước và là tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Tổng sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 so với tăng 2,7%, thấp hơn dự kiến trong khi nhập khẩu giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tranh chấp Trung-Nhật ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu

Nhiều nhà phân tích cho rằng căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn châu Á sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. "Cái giá mà Trung Quốc phải trả sẽ là nhận được ít đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn, trong khi ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản - điểm sáng của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ", ông Andy Xie, cựu kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Morgan Stanley cho biết.

Đại diện bộ thương mại Trung Quốc Shen Danyang cho biết tranh chấp đảo với Nhật Bản đã khiến giao thương hai nước bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là sau việc các hãng ôtô và cửa hàng của Nhật Bản bị người biểu tình Trung Quốc tấn công.

Theo số liệu công bố ngày 19/9 của Bộ thương mại Trung Quốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 8 vào nước này đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 8,33 tỷ USD. Đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp.

Bloomberg dẫn lời chuyên gia kinh tế Liu Li Gang của ngân hàng ANZ cho biết: "Tranh chấp leo thang khiến tình hình càng trở nên bất ổn. Tăng trưởng của Nhật Bản hiện dựa khá nhiều vào Trung Quốc. Vì vậy, nền kinh tế phục hồi yếu của Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn".

Giới phân tích cũng cảnh báo các nhà sản xuất của Nhật Bản sẽ chịu tổn thất lớn hơn cả cuộc động đất hồi tháng 3/2011. Cổ phiếu Nissan, nhà sản xuất ôtô lớn nhất nước này (tại thị trường Trung Quốc) mất 5,2% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 5/2012. Honda cũng bị tụt 3% và Công ty Fast Retailing (điều hành chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo) giảm 5,9%.

Đồng thời, các chuyên gia cũng nhận định kinh tế Trung Quốc năm nay có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 22 năm. Nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và phục hồi chậm ở Mỹ làm kìm hãm xuất khẩu. Bên cạnh đó, các động thái kiềm chế bất động sản cũng khiến nhu cầu trong nước giảm đi đáng kể.

Người Trung Quốc biểu tình phản đối Nhật Bản tại Hong Kong
Người Trung Quốc biểu tình phản đối Nhật Bản tại Hong Kong

Tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một trong những vấn đề tồn đọng trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong gần 7 thập kỷ sau khi Thế chiến II kết thúc.

Trong năm 2010, căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh bùng lên sau khi Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra của Nhật Bản ở vùng biển tranh chấp này.

Không những thế, căng thẳng còn dâng cao trở lại hồi tháng 4 sau khi thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara thông báo quyên tiền mua lại đảo từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật.

Tiếp đó, quyết định của nội các Nhật Bản thông qua kế hoạch chi hơn 2 tỷ yên (26 triệu USD) mua 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 11/9 đã khiến căng thẳng giữa 2 nước càng leo thang.

Căng thẳng lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh  2 nước đều đang đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu và Trung Quốc đang chuẩn bị cho quá trình thay đổi lãnh đạo lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 đảo và 3 bãi đá ngầm ở biển Hoa Đông, cách đảo Okinawa khoảng 400 km về phía tây. Quần đảo này nằm trong khu vực có nguồn thủy hải sản dồi dào và có thể chứa nguồn khoáng sản có giá trị. Chuỗi đảo cũng từng là nơi sinh sống của ngư dân Nhật Bản trước chiến tranh thế giới thứ 2.

Nguồn Asiamoney/Khampha


Sự kiện