Thứ Hai | 18/01/2016 13:10

Chứng khoán Trung Quốc vẫn đắt nhất thế giới

Dù lao dốc trong 2 tuần đầu năm 2016, song tỷ số P/E của chứng khoán Trung Quốc vẫn cao hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu.

Đợt lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Nhưng xét về mức độ đắt đỏ, giá cổ phiếu Trung Quốc còn dư địa để tiếp tục giảm.

Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải - sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Trung Quốc với tổng mức vốn hóa 3,7 nghìn tỷ USD - từ đầu năm đến nay đã giảm 18% xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Tuy vậy, hệ số P/E của cổ phiếu đang giao dịch trên sàn Thượng Hải vẫn cao hơn 24 lần so với lợi nhuận mà các công ty tạo ra được theo ước tính của các nhà phân tích.

Trong khi đó, hệ số P/E bình quân của các cổ phiếu thuộc S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ là 16 lần và hệ số này của cổ phiếu thuộc Chỉ số Stoxx Europe 600 là 15 lần.

Thậm chí, giá cổ phiếu trên sàn Thâm Quyến còn cao hơn nữa với hệ số P/E của cổ phiếu giao dịch trên sàn này là 33 lần.

Hao Hong, giám đốc điều hành Bank of Communications, cho biết, Trung Quốc là một trong những thị trường chứng khoán quy mô lớn đắt đỏ nhất thế giới. Chơi chứng khoán ở đây giống như mua xổ-sổ vậy.

Sự đắt đỏ của giá cổ phiếu ở Trung Quốc cho thấy sự khó khăn trong việc dự báo thời điểm đà giảm hiện nay của thị trường sẽ kết thúc.

Tại các sàn chứng khoán như Thượng Hải, nơi các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm khoảng 80% giao dịch hàng ngày, thì tâm lý bầy đàn - thay vì những yếu tố căn bản như lợi nhuận và triển vọng tăng trưởng công ty - mới là nhân tố chủ chốt dẫn dắt thị trường.

Và theo các nhà phân tích, khi triển vọng thị trường xấu đi, các cổ đông luôn có xu hướng bán nhanh cổ phiếu nhân lúc giá còn đang đắt đỏ. Bởi vậy, chứng khoán Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm.

Tâm lý hoảng loạn đang ngự trị thị trường chứng khoán đại lục. Sau khi một tờ báo Trung Quốc đưa tin các ngân hàng ở Thượng Hải không còn nhận cổ phiếu làm tài sản thế chấp vay vốn nữa, chứng khoán ngay lập tức bị ồ ạt bán tháo trong phiên chiều thứ Sáu 15/1.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang phát đi những tín hiệu trái chiều về mức độ can thiệp tới vào thị trường chứng khoán.

Trước kia, chính phủ đã đứng ra mua cổ phiếu để cứu thị trường và cam kết tăng chi tiêu cho một số ngành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng gần đây, theo các nhà phân tích, Bắc Kinh chưa hề phát tín hiệu nào về những biện pháp kích cầu mới để hỗ trợ giá cổ phiếu.

Một số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc được định giá cao đến mức khó tưởng tượng. Ví dụ, giá cổ phiếu của công ty may mặc Shanghai Metersbonwe Fashion & Accessories Co. hiện đang giao dịch ở mức cao gấp 1.104 lần dự báo lợi nhuận. Hệ số P/E của công ty vận hành mạng Internet Shanghai Ganglian E-Commerce Holdings hiện là 2.440 lần.

Giới đầu tư Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được cổ phiếu cho dù doanh nghiệp niêm yết làm ăn thua lỗ. Chẳng hạn, công ty điện lực Guangdong Meiyan Hydropower báo lỗ trong năm 2014 và 3 quý đầu năm 2015, nhưng giá cổ phiếu công ty này từ tháng 8/2015 đến nay vẫn tăng 53%.

Nguyên nhân đằng sau sự tăng giá này là Guangdong Meiyan tuyên bố Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc đã trở thành cổ đông lớn của công ty. Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc là một thành viên của nhóm quỹ đầu tư được Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo mua vào cổ phiếu để cứu thị trường trong mấy tháng gần đây.

Nhật Trường

Nguồn WSJ