Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất 6 năm qua
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc với chỉ số Shanghai Composite hướng đến tháng giảm mạnh nhất từ tháng 8/2009 bất chấp nỗ lực vực dậy lòng tin của giới đầu tư sau khi 3,5 nghìn tỷ vốn hóa bốc hơi khỏi thị trường.
Lúc 14h38 Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,2% xuống 3.660,09 điểm, chủ yếu do cổ phiếu năng lượng và công nghiệp giảm mạnh. Kể từ đầu tháng, chỉ số này đã giảm 14%, mức giảm lớn nhất trong số 93 thị trường Bloomberg theo dõi khi giới giao dịch ký quỹ ồ ạt rút vốn và số tài khoản mở mới giảm mạnh do lo ngại mức giá trị hiện tại không bền vững.
Tuy các biện pháp can thiệp vô tiền khoáng hậu của chính phủ đã giúp Shanghai Composite hồi phục 18% từ mức đáy hôm 8/7, song thị trường lại biến động trong phiên thứ Hai đầu tuần khi chỉ số Shanghai Composite mất đến 8,5%.
Kể từ giữa tháng 6, các khoản nợ ký quỹ tại các sàn giao dịch đại lục giảm 40%, trong khi số tài khoản mới cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5. Tài khoản cá nhân chiếm hơn 80% giao dịch chứng khoán tại Trung Quốc.
Vào thời điểm đỉnh cao hồi tháng 6, các nhà đầu tư mở hơn 1 triệu tài khoản mỗi tuần. Nợ ký quỹ tăng 5 lần trong 12 tháng qua, đẩy chỉ số Shanghai tăng 150%.
Dư nợ bảo đảm bằng cổ phiếu trên sàn Thượng Hải tính đến thứ Ba 28/7 giảm xuống 881,6 tỷ nhân dân tệ (142 tỷ USD), thấp nhất kể từ 16/3. Tổng nợ ký quỹ trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến tính đến thứ Tư 29/7 giảm 144 tỷ USD xuống 221 tỷ USD từ mức đỉnh hôm 18/6.
Rõ ràng các biện pháp hỗ trợ của chính phủ không mang lại hiệu quả như Bắc Kinh kỳ vọng, Bernard Aw, chiến lược gia tại IG Asia ở Singapore, cho biết.
Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index gồm các cổ phiếu đại lục niêm yết ở Hồng Kông giảm 14% kể từ đầu tháng, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2011.
Cổ phiếu của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) giảm 9,9% là lực kéo lớn nhất khiến Shanghai Composite rớt mạnh trong tháng này. Bên cạnh đó, cổ phiếu China Petroleum & Chemical Corp cũng giảm 14% và Bảo hiểm Bình An giảm 18%.
Chính phủ Trung Quốc đang ráo riết điều tra để tìm ra hành vi thao túng thị trường, trong đó có “bán khống độc hại”. Spoofing (đặt lệnh và sau đó hủy lệnh để tác động đến giá) là mục tiêu mà các nhà điều tra đang hướng tới. 24 tài khoản trên các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đang bị điều tra.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg