Thứ Ba | 25/06/2013 07:43
Tín hiệu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể ngừng nới lỏng tiền tệ đã gây ra làn sóng bán tháo tài sản trên các thị trường.
Theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg, kể từ ngày cuối tháng 5 khi chủ tịch Fed Ben Bernanke cho biết Fed có thể giảm quy mô chương trình mua trái phiếu vào cuối 2013 và ngừng hẳn vào 2014, vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu mất hơn 4.400 tỷ USD sau khi vốn hóa thị trường tăng 30.000 tỷ USD trong vòng 4 năm. Thị trường cổ phiếu Mỹ trong 5 ngày kết thúc vào ngày 21/6 mất 354,3 tỷ USD sau khi thị trường giảm mạnh nhất 2 năm vào hôm 19-20/6, trong khi thị trường trái phiếu mất 390,8 tỷ USD.
Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu giảm mạnh nhất 21 tháng trong đó thị trường mới nổi giảm 4% hôm 20/6.
Trên thị trường trái phiếu, nhà đầu tư cũng bán tháo với tốc độ kỷ lục. Khoảng 47,2 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường trái phiếu trong tháng qua, cao nhất từ trước tới nay, thậm chí vượt kỷ lục 41,8 tỷ USD thiết lập hồi tháng 10/2008.
Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) trong báo cáo thường niên vừa công bố cảnh báo, trái chủ toàn cầu có thể lỗ nặng do lợi suất trái phiếu bắt đầu tăng do thời kỳ nới lỏng tiền tệ gần đến hồi kết thúc. Theo BIS, riêng nhà đầu tư sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ thua lỗ hơn 1.000 tỷ USD hay tương đương 8% GDP Mỹ nếu lợi suất bắt đầu tăng 3 điểm phần trăm. Tỷ lệ thiệt hại này đặc biệt cao đối với trái chủ ở các nền kinh tế phát triển, khoảng 15% đến 35% GDP ở Pháp, Italia, Nhật Bản và Anh.