Chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm mạnh
Đêm trước (21/2) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng có một phiên đi xuống, chủ yếu do số liệu yếu kém của lĩnh vực chế tạo Mỹ cũng như sự sụt giảm mạnh của chỉ số quản lý sức mua (PMI) ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - dấu hiệu cho thấy suy thoái vẫn tiếp tục hoành hành tại khu vực này.
Đóng cửa phiên 21/2, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều sụt giảm, trong đó Dow Jones Industrial Average mất 46,92 điểm ( 0,34%) xuống 13.880,62 điểm; S&P 500 lùi 9,53 điểm (0,63%) về 1.502,42 điểm; Nasdaq Composite rơi 32,92 điểm (1,04%) xuống 3.131,49 điểm.
Các yếu tố tác động tới sự sụt giảm này là một loạt số liệu không tích cực của kinh tế Mỹ và châu Âu, trong đó có hoạt động kinh doanh yếu kém tại Khu vực Eurozone, hoạt động chế tạo không như kỳ vọng của khu vực mid-Atlantic tại Mỹ và lượng người đăng ký thất nghiệp mới hàng tuần tại Mỹ trong tuần trước.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Mỹ còn sụt giảm trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn đang tranh luận về việc liệu có nên tiếp tục duy trì chương trình mua trái phiếu hay không. Trong khi đó, hạn chót 1/3 cho quyết định về cắt giảm chi tiêu của Nhà Trắng cũng đang ngày càng tới gần, một quyết định mà các nhà kinh tế cho rằng sẽ khiến tăng trưởng của kinh tế Mỹ chậm lại.
Cùng ngày, chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ khi giới đầu tư lo ngại FED có khả năng chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu cùng những số liệu xấu về hoạt động kinh doanh tại Khu vực Eurozone.
Đóng cửa phiên 21/2, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của London mất 1,62% xuống 6.291,54 điểm. Trước đó, trong phiên 20/2, chỉ số này đã lần đầu tiên trong hơn 5 năm qua vượt qua ngưỡng 6.400 điểm trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế xứ sở Sương mù. Tại Đức, DAX 30 tuột dốc 1,88% xuống 7.583,57 điểm trong khi tại Pháp, CAC 40 trượt 2,29% về 3.624,80 điểm.
Nguồn Vietnam+