Chủ Nhật | 06/01/2013 11:29

Chứng khoán Mỹ trong năm 2013: Tăng trưởng đến từ đâu?

Mức tăng trưởng đạt 13,4% trong năm 2012 của chỉ số S&P 500 chủ yếu đến từ các gói kích thích của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Thỏa thuận ngân sách vừa được quốc hội Mỹ thông qua đã khiến chỉ số Standard & Poor's 500 tăng vọt 2,5% trong phiên giao dịch ngay sau đó. Tuy nhiên, sự lạc quan trong đầu năm 2013 có thể khiến nhà đầu tư xao nhãng khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan mà thị trường chứng khoán đang phải đối mặt: năm 2013, tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đến từ đâu?

Theo số liệu mới nhất được S&P công bố, năm ngoái, tính đến quý III, lợi nhuận hoạt động của các công ty trong chỉ số S&P 500 chỉ tăng 1,3%. Trên thực tế, theo chuyên gia phân tích đến từ Morgan Stanley, khoảng 88% sự tăng trưởng của chỉ số S&P 500 chỉ đến từ 10 công ty. Và, mức tăng trưởng đạt 13,4% trong năm 2012 của chỉ số S&P 500 chủ yếu đến từ các gói kích thích của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tuy nhiên, theo giám đốc quỹ tương hỗ Fidelity Global Strategies, rất có thể nhà đầu tư sẽ không còn may mắn như vậy trong năm 2013. Hiệu quả của các chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed đang vấp phải nhiều hạn chế.

6 trong số 10 công ty tạo nên 88% tăng trưởng của chỉ số S&P là các công ty tài chính, điển hình là Bank of America và Goldman Sachs. Apple – công ty đóng góp phần lớn nhất – đã có nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

10 công ty đóng góp gần 90% tăng trưởng trong năm 2012 của chỉ số S&P 500.
10 công ty đóng góp gần 90% tăng trưởng trong năm 2012 của chỉ số S&P 500.

Trong khi đó, theo Ed Yardeni, chủ tịch của công ty tư vấn đầu tư Yardeni Research, lợi nhuận thặng dư - vốn là phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong suốt thời kỳ nền kinh tế phục hồi – đang bắt đầu có dấu hiệu ngừng tăng trưởng.

Theo số liệu từ FactSet, hiện nay, với mỗi USD thu về từ hoạt động bán hàng, các công ty có được 9,8 cent lợi nhuận. Đây là con số gần bằng với mức 10 cent ở thời kỳ trước khi thị trường sụp đổ năm 2008 và cao hơn so với mức trung bình 9 cent trong suốt thập kỷ vừa qua.

Theo Yardeni, điều này có nghĩa là tăng trưởng về doanh thu sẽ quyết định mức tăng trưởng lợi nhuận của hầu hết các công ty thuộc mọi lĩnh vực. Ông dự đoán các công ty trong chỉ số S&P 500 sẽ có mức tăng trưởng doanh thu nằm trong khoảng 5 – 9% trong năm 2013.

Điều này có nghĩa là cổ phiếu của nhiều công ty sẽ khó có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2013. Tuy nhiên, một vài ngành có cơ hội tăng trưởng doanh số, đặc biệt là những ngành có thể nhanh chóng tận dụng sự phục hồi của các nền kinh tế khác. Kế hoạch đảo ngược vách đá tài khóa cũng sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng – điều có lợi cho các công ty sản xuất hàng tiêu dùng.

Sau kỳ nghỉ lễ đầy thất vọng vừa qua, các nhà bán lẻ có thể “thở phào” trong chốc lát bởi người tiêu dùng không còn phải lo lắng về thuế.

Với dự đoán kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2013, các công ty (đặc biệt là công ty trong ngành công nghiệp) phải trông đợi vào Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.

Trong đó, General Motors (GM) là công ty có triển vọng sáng sủa bởi đây là một trong số các nhà sản xuất ô tô đến từ nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc. Theo Morningstar, GM có tỷ lệ forward P/E là 7,4 trong khi tỷ lệ trung bình của chỉ số S&P 500 là 12,6.

Nguồn CafeF


Sự kiện