Chứng khoán Mỹ mất điểm sau số liệu việc làm, lo ngại Hy Lạp
Mặc dù IMF cảnh báo Hy Lạp cần thêm 50 tỷ euro trong 3 năm tới để “sống sót”, nhưng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang thúc giục cử tri bác bỏ đề xuất cứu trợ từ các chủ nợ trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới và cho biết ông hy vọng sẽ ký được thỏa thuận mới vào ngày thứ Hai tuần tới.
Khối lượng giao dịch tại Phố Wall ở mức thấp trước khi thị trường đóng cửa nghỉ Lễ Quốc khánh từ ngày 3/7.
Khoảng 5,5 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn so với mức trung bình 7,6 tỷ cổ phiếu trong 5 phiên vừa qua, theo số liệu của BATS Global Markets.
Tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 6/2015 chậm lại, làm tăng đồn đoán Fed sẽ chưa nâng lãi suất vào tháng 9 tới.
Theo số liệu của Bộ Lao động, tháng 6, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 223.000 việc làm phi nông nghiệp, thấp hơn so với dự đoán tăng 230.000 của các nhà kinh tế học và thấp hơn 60.000 việc làm được tạo ra trong tháng 4 và tháng 5. Ít nhất 432.000 người đã phải ra khỏi lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,3%, thấp nhất 7 năm qua.
Lương bình quân theo giờ tại Mỹ trong tháng 6/2015 chỉ tăng 2% so với 2,3% trong tháng 5/2015.
Một báo cáo khác hôm thứ Năm cho thấy, số đơn hàng nhà máy của Mỹ trong tháng 5/2015 giảm mạnh hơn dự báo khi giảm 1% so với dự đoán giảm 0,5% của các nhà kinh tế học.
Trong số các lĩnh vực S&P 500 theo dõi, ngành hàng tiện ích tăng mạnh nhất với mức tăng 1,4%.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang quan tâm đến tình hình bất ổn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và khủng hoảng nợ tại Puerto Rico.
Chốt phiên 2/7, Chỉ số Dow Jones giảm 27,8 điểm, hoặc 0,16%, xuống 17.730,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,64 điểm, tương ứng 0,03%, xuống 2.076,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,91 điểm, hoặc 0,08%, xuống 5.009,21 điểm.
Cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều có một tuần giảm điểm. Cả tuần, S&P 500 giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2015, Dow Jones ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2015 trong khi Nasdaq có mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 5/2015.
Cổ phiếu của tập đoàn dầu khí BP tăng 5% lên 41,29 USD sau khi công ty đồng ý chi 18,7 tỷ USD để giải quyết khiếu nại tràn dầu tại Vịnh Mexico năm 2010.
Cổ phiếu ngân hàng giảm cùng với lợi tức trái phiếu sau báo cáo việc làm phi nông nghiệp. Cổ phiếu Regions Financical Corp và KeyCorp giảm ít nhất 1,3%, trong khi cổ phiếu Bank of America Corp giảm 1,1% và JPMorgan Chase & CO giảm 0,8%.
Phan Nguyễn
Nguồn Reuters/Bloomberg