Chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới sau số liệu sản xuất
Chỉ số Dow Jones trung bình của ngành công nghiệp tăng 0,2% lên 16.743,63 điểm, ghi nhận mức cao chưa từng thấy.
Trong khi đó, chỉ số Russell 2000 của các doanh nghiệp nhỏ giảm 0,5%.
Theo Viện quản lý nguồn cung (ISM), chỉ số sản xuất của Mỹ giảm xuống 53,2 điểm trong tháng 5, ghi nhận mức thấp nhất trong 3 tháng và thấp hơn so với mức 54,9 điểm của tháng 4. Con số này cũng thấp hơn so với dự báo trung bình là 55,5 điểm của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg. 50 điểm là ranh giới giữa phát triển và suy yếu.
Số liệu phản ánh sự tăng trưởng chậm lại của hoạt động sản xuất tại Mỹ so với dự báo do số đơn hàng và sản lượng giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, nhìn chung, hoạt động sản xuất ở Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng dù không thực sự mạnh mẽ.
Trong khi đó, chỉ số về hoạt động sản xuất của các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng khá phức tạp. Markit Economics cho biết, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) trong tháng 5 của khu vực đồng euro giảm xuống 52,2 điểm so với 53,4 điểm trong tháng 4 và thấp hơn so với số liệu sơ bộ là 52,5 điểm.
Tại châu Á, cũng theo Markit Economics, chỉ số PMI của Trung Quốc tháng 5 tăng lên 50,8 điểm từ 50,4 của tháng 4, cao hơn mức dự đoán 50,6 của thị trường. Tại Nhật Bản, chỉ số PMI tháng 5 của ngành sản xuất cũng tăng lên 49,9 điểm so với 49,4 điểm tháng trước đó.
Thị trường dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà phục hồi trong quý II trong khi các ngân hàng trung ương tại Nhật Bản và châu Âu sẽ thực hiện các biện pháp kích thích. Theo kịch bản này, giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tăng lên kỷ lục ở 64 nghìn tỷ USD trong tháng 5.
Cuối tuần này, Mỹ sẽ công bố một số số liệu kinh tế như, đơn hàng sản xuất và doanh số bán xe ôtô cũng như báo cáo việc làm hàng tháng của Cục Thống kê lao động.
Có khoảng 4,9 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn 23% so với mức trung bình 3 tháng. Chỉ số thể hiện biến động chứng khoán Mỹ là VIX tăng 1,6% lên 11,58 điểm sau khi giảm xuống mức thấp nhất là 11,36 điểm kể từ tháng 3/2013.
Cuộc họp tháng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ được diễn ra vào ngày 5/6. Phần lớn các chuyên gia kinh tế kỳ vọng ECB sẽ quyết định hạ lãi suất huy động (một loại lãi suất điều hành chủ đạo của ECB đối với các ngân hàng trung ương khác trong khu vực) xuống mức âm lần đầu tiên kể từ khi đồng tiền chung ra đời. Kèm theo đó, có thể còn nhiều biện pháp khác nhằm hỗ trợ thanh khoản sẽ được thi hành.
Theo khảo sát của Bloomberg News, có 44/50 chuyên gia kinh tế cho rằng, ECB sẽ là ngân hàng trung ương đầu tiên hạ lãi suất xuống dưới 0 thông qua cắt giảm lãi suất tiền gửi. 56/58 chuyên gia dự báo, ECB sẽ cắt giảm cả lãi suất chuẩn.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg