Thứ Ba | 24/11/2015 06:58

Chứng khoán Mỹ lại giảm điểm

Chứng khoán Mỹ phiên 23/11 giảm nhẹ trong phiên giao dịch trầm lắng sau khi tăng mạnh trong tuần qua, bất kể thương vụ lớn trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 31,13 điểm, tương ứng 0,17%, xuống 17.792,68 điểm, chỉ số S&P 500 mất 2,58 điểm, tương đương 0,12%, xuống 2.086,59 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,44 điểm, hay giảm 0,05%, xuống 5.102,48 điểm.

Vài ngày trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, khoảng 6,18 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn so với 7,2 tỷ cổ phiếu bình quân trong 20 phiên vừa qua, theo số liệu của Reuters.

Thông báo của Pfizer về cái được cho là thương vụ lớn chưa từng có trong lĩnh vực chăm sóc y tế đã khiến cổ phiếu của hãng giảm 2,6%, đóng góp lớn nhất vào đà giảm của S&P. Cổ phiếu của Allergan - đối tác trong thương vụ nêu trên - giảm 3,4% sau khi thương vụ mua bán sáp nhập trị giá 160 tỷ USD được công bố.

Sự thất vọng về thương vụ Pfizer/Allergan chủ yếu do khoảng tiền tiết kiệm được từ thương vụ thấp hơn dự kiến, những vấn đề liên quan đến chống độc quyền cùng với khả năng Pfizer phải hoãn kế hoạch chia tách thành 2 công ty.

Sau một tuần khi S&P 500 có mức tăng tốt nhất trong năm, giới đầu tư không mấy ấn tượng về số liệu kinh tế công bố hôm thứ Hai 23/11 và một số người lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể chậm hơn dự đoán.

Doanh số bán nhà sẵn có tháng 10 của Mỹ giảm do thiếu nguồn cung, làm hạn chế lựa chọn của người mua tiềm năng và đẩy giá lên và khiến đà hồi phục của thị trường nhà đất chững lại sau khi tăng mạnh hồi đầu năm nay.

Một báo cáo khác cho thấy, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng Markit (PMI) chậm mức thấp nhất 25 tháng trong đầu tháng 11, nhấn mạnh sự suy yếu của lĩnh vực sản xuất.

Trong số các lĩnh vực S&P 500, hàng tiện ích hoạt động kém hiệu quả nhất với mức giảm 1%, tiếp đến là dịch vụ viễn thông.

Lĩnh vực năng lượng tăng 0,7% khi giá dầu biến động sau khi Arab Saudi đồng ý hợp tác với các nước sản xuất khác để ổn định giá dầu, nhưng giới đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại về tình trạng thừa cung toàn cầu và những dấu hiệu cho thấy lượng dầu lưu kho của Mỹ sẽ tiếp tục tăng.

Phan Nguyễn

Nguồn Reuters