Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong lúc chờ kết quả kinh doanh quý I
Hôm thứ Hai 3/4, phiên giao dịch đầu tiên của quý II tại Mỹ đã kết thúc với mức sụt giảm nhẹ, do doanh số xe hơi thất vọng và dữ liệu kinh tế yếu kém làm gia tăng lo ngại về mùa công bố kết quả kinh doanh sắp tới.
Chỉ số công nghiêp Dow Jones, kết phiên giảm 13,01 điểm hay 0,1% ở mức 20.650,21. Trong phiên, có lúc Dow Jones giảm hơn 100 điểm. Nhóm cổ phiếu kéo lùi chỉ số này có DuPont, American Express, Cisco Systems.
Chỉ số S&P 500 giảm 5,01 điểm hay 0,2%, chốt phiên ở mức 2.357,71 điểm. 7 trong số 10 ngành chính giả điểm, dẫn đầu bởi cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu, vật liệu và công nghệ.
Cả 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã rơi xuống dưới đường trung bình di động 50 ngày, lần đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái. Một chỉ báo cho thấy, niềm tin của thị trường với ông Trump, đã dần phai nhạt.
Chỉ số Nasdaq có lúc lên mức cao 5.928,93 điểm vào đầu phiên, chốt phiên giảm 17.06 điểm hay 0,3%, xuống mức 5.894,68.
Trong quý I vừa qua, các chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh, với mức tăng từ 4,6%-9,8%. Đà tăng này đã đưa các chỉ số lên mức kỷ lục, nhưng cũng làm nhiều nhà phân tích lo ngại rằng liệu mức định giá đã lên quá cao.
Những thông tin trái chiều về doanh số bán xe hơi đã kéo lùi động lực của thị trường, theo ông Peter Boockvar, nhà phân tính thị trường tại The Lindsey Group. Ông cho rằng ngành xe hơi vốn là động lực chính cho nền kinh tế, và sự yếu kém của ngành này cùng với những lo ngai về triển vọng thực hiện chính sách thuế của tổng thống Trump đã tạo áp lực lên toàn thị trường. Boockvar nói: “Doanh số bán xe hơi yếu kém đang đặt câu hỏi về tăng trưởng kinh tế, và làm phẳng đường cong lãi suất, ảnh hưởng tới ngành tài chính”. Cổ phiếu ngành tài chính, vốn có lúc là nhóm giảm điểm mạnh nhất trong chỉ số S&P500, đã giảm 0,3% vào cuối phiên.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống mức 2.335% vào hôm thứ Hai. Trong suốt quý I, đường cong lợi suất đã phẳng hơn, có nghĩa là chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu ngắn hạn và dài hạn đã giảm xuống, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế.
Dữ liệu kinh tế được đưa ra trong hôm 3/4 cũng đã làm tăng lo ngại. Chỉ số PMI của Mỹ theo báo cáo của Markit giảm từ mức 54,2 trong tháng 2 xuống mức 53,3 trong tháng 3, và theo Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) thì PMI cũng giảm từ mức 57,7 trong tháng 2 xuống mức 57,2 trong tháng 3, mặc dù chỉ số tuyển dụng lên mức cao 6 năm.
Ông Wayne Kaufman, nhà phân tích thị trường tại Phoenix Financial Services, cho biết: “Tôi cho rằng thị trường sẽ yếu đi đôi chút trước khi có kết quả kinh doanh quý I. Hiện giờ, chúng ta đang cho rằng kết quả kinh doanh quý này sẽ tốt, đặc biệt là với ngành công nghệ, tài chính và y tế, nhưng rõ ràng là định giá cổ phiếu đang ở mức cao. Thị trường có lẽ đã qua thời mua cổ phiếu nào cũng thắng, chỉ số chính sẽ tiếp tục ổn định, nhưng giờ là lúc chúng ta phải biết lựa cổ phiếu để mua”.
Mặc dù số liệu vào ngày thứ Hai không tốt lắm, nhưng số liệu việc làm vào ngày thứ Sáu 7/4 tới đây sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường, trước khi các công ty công bố báo cáo quý. Một số nhà phân tích lo ngại rằng, đà tăng trưởng cao của thị trường việc làm 2 tháng đầu năm sẽ khó được duy trì.
Bá Ước
Nguồn MarketWatch