Chứng khoán Mỹ “đấu bò”, thị trường hàng hóa khó chống lại xu hướng gấu
Thị trường theo chiều giá lên được gọi là “Bull Market”, trong đó giá cả tăng nhanh như cú húc từ dưới lên của bò tót (bull). Ngược lại, thị trường theo chiều giá xuống là “Bear Market”, tại đó giá cả giảm mạnh như cú tát từ trên xuống của gấu (bear).
Chứng khoán Mỹ “đấu bò”
Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đang có cơ hội lớn để đầu cơ trong thị trường giá lên hiện nay. Chỉ số S&P 500 tiếp tục đạt mức cao mới nhờ làn sóng nới lỏng tiền tệ mới của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng như triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Mỹ.
Làn sóng nới lỏng bắt đầu từ các gói nới lỏng định lượng (QE) của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đến chính sách nới lỏng chưa từng có được thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng được với tên mỹ miều Abenomic. Gần đây nhất, trước tình cảnh kinh tế suy thoái trầm trọng hầu khắp châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng không thể bảo thủ hơn được nữa, quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống thấp kỷ lục 0,5% vào đầu tháng 5 vừa qua.
Trước năm 2013, giá cả hàng hóa biến động gần như cùng chiều với các loại tài sản khác, nhưng hiện nay các yếu tố đặc biệt khác đang chi phối giá: cung yếu và sự thay đổi của nhu cầu cơ bản.
Cho đến cuối năm 2012, đồ thị cho thấy sự thay đổi song song của giá dầu thô và giá đồng với S&P 500. Tuy nhiên sau đó, tương quan ngày càng trở nên không còn chặt chẽ. Nói cách khác, mối quan hệ giá cả giữa hàng hóa và các loại tài sản khác đã tiếp tục suy yếu và phản ứng chính sách cũng giảm đi.
Dầu thô
Đường phản ánh diễn biến giá dầu thô di chuyển song song với S&P 500 cho đến cuối năm 2012, phản ánh triển vọng tăng trưởng của Mỹ. Tuy nhiên sang năm 2013, bất chấp đà tăng kỷ lục của chứng khoán, giá dầu lại đang có dấu hiệu giảm.
Giá thấp là kết quả của việc dư thừa nguồn cung, lượng dầu dự trữ tăng lên mức kỷ lục. Đầu tháng 5, Bloomberg dự báo dự trữ dầu của Mỹ sẽ tăng 450.000 thùng lên 396 triệu thùng, phá mốc kỷ lục trong vòng 82 năm.
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng tích cực đối với Mỹ là một câu chuyện của cuối năm 2014, còn hiện tại khó có thể mong chờ lượng tiêu thụ xăng tăng nhanh ở nền kinh tế dẫn đầu thế giới.
Trong tương lai ngắn hạn, một đợt điều chỉnh giá sẽ đến vào mùa hè tới. Cơ sở chính xuất phát từ nguồn cung chặt chẽ hơn nhằm cân bằng với nhu cầu. Ngoài ra, tình trạng chính trị bất ổn tại Syria, Iraq và các tranh chấp chưa được giải quyết xung quanh chương trình hạt nhân của Iran cũng khiến cho cung cấp dầu giảm xuống. Như vậy, mặc dù rủi ro sụt giá đang tăng lên nhưng nhiều khả năng tín hiệu lạc quan sẽ đến trong mùa hè tới.
Đồng và các kim loại công nghiệp
Triển vọng giá đồng và giá kim loại công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc, do vậy ít có liên hệ giữa chỉ số chứng khoán Mỹ và giá đồng.
Đồng bắt đầu đi chệch khỏi kịch bản tăng giá kể từ tháng 5/2012 do lo ngại tăng trưởng Trung Quốc suy giảm. Số liệu tăng trưởng kinh tế ảm đạm những tháng đầu năm 2013 càng khuyến khích "chú gấu tát mạnh" vào thị trường đồng 5 tháng đầu năm nay.
Ngoài ra, hầu hết các thị trường kim loại được dự đoán sẽ chỉ nằm một trong hai kịch bản: đang dư cung hoặc tương lai sẽ chuyển sang dư cung. Dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại, cùng với đó giá kim loại công nghiệp sẽ tăng trưởng yếu đi.
Vàng
Giá vàng và chỉ số S&P 500 đang nhảy với hai phong vũ biểu khác nhau. Triển vọng kinh tế Mỹ có thể thoát đáy trong năm nay và phương án kết thúc QE3 vào mùa hè này đã được Fed tính đến. Khi đó, nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận ở những nơi khác, chẳng hạn trong thời điểm hiện nay là cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán càng hấp dẫn sẽ khiến cho thị trường hàng hóa kim loại quý khó thoát khỏi cú tát của gấu vàng, thậm chí sẽ là cú tát mạnh nhất trong lịch sử của thứ kim loại chưa bao giờ bị nghi ngờ về sự an toàn và đà tăng giá.
Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ câu “nhất thổ-nhì kim-tam đồng-tứ sấm” nên được cân nhắc lại!
Nguồn Dân Việt