FED phát hiệu sẽ có thêm 1 đợt tăng lãi suất nữa trước khi kết thúc năm 2023. Ảnh: CNBC.

 
Bạch Hiền Thứ Năm | 21/09/2023 11:54

Chứng khoán Mỹ "chìm sâu" trong sắc đỏ

Sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, thị trường chứng khoán bị bán tháo mạnh.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 20/9, sau khi thông tin Cục Dự trữ Liên bang (FED) giữ nguyên mức lãi suất được phát đi. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương cũng cho biết sẽ còn 1 đợt tăng lãi suất nữa trước khi kết thúc năm 2023.

Đóng cửa phiên, chỉ số Dow Jones giảm 76,85 điểm, tương đương 0,22%, xuống 34.440,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,94%, xuống còn 4.402,20 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,53%, xuống còn 13.469,13 điểm.

Chỉ số Nasdaq giảm điểm gần chạm đáy của tháng 8/2023.
Chỉ số Nasdaq giảm điểm gần chạm đáy của tháng 8/2023.

Kết thúc cuộc họp chính sách thắt chặt tiền tệ định kỳ tháng 9, FED giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5%. Động thái này không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Song, FED cũng phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm lần nữa trước khi kết thúc năm 2023. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương còn cho biết sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt sau đợt tăng lãi suất này, đồng thời bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024. 

Thị trường chao đảo trong thời gian diễn ra cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell. Ông cho biết Ngân hàng Trung ương sẽ hành động cẩn trọng trong những quyết định tăng thêm lãi suất, nhưng cũng lưu ý rằng FED vẫn còn nhiều việc cần phải làm trong nỗ lực chống lạm phát.

Theo Chủ tịch Powell, khả năng nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm vẫn có thể xảy ra và đây cũng là mục tiêu hàng đầu mà ông hướng tới. 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ ngập sâu trong sắc đỏ và tiếp tục chiều hướng đi xuống trong phiên giao dịch sau phát biểu của ông.

“Nền kinh tế Mỹ quá mạnh và chu kỳ thắt chặt lãi suất sẽ kéo dài lâu hơn so với mong muốn của thị trường”, ông Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định về nguyên nhân cổ phiếu bị bán tháo sau cuộc họp định kỳ của FED.

Trong phiên này, nhóm cổ phiếu công nghệ và dịch vụ truyền thông là 2 lĩnh vực giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu của S&P 500. Trước đó, các nhà đầu tư đã mua nhiều cổ phiếu công nghệ và những cổ phiếu tăng trưởng khác với hy vọng FED sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt vào cuối tháng 9.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2006. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2007. Những biến động trên phản ánh tác động của lãi suất cao hơn và có nguy cơ gây áp lực lên các cổ phiếu công nghệ.

Có thể bạn quan tâm:

Đức là nền kinh tế châu Âu duy nhất rơi vào suy thoái năm 2023?