Thị trường đang chịu sức ép từ cuộc đàm phán trần nợ và những tuyên bố diều hâu của Fed. Ảnh: Getty Images.
Chứng khoán Mỹ "ảm đạm" khi cuộc đàm phán trần nợ vẫn chưa được thỏa thuận
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/5, khi cuộc đàm phán trần nợ công vẫn chưa đạt được sự đồng thuận giữa các bên.
Đóng cửa phiên, chỉ số Dow Jones giảm 231,07 điểm, tương đương giảm 0,69%, xuống còn 33.055,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,12%, còn 4.145,58 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,26%, xuống 12.560,25 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/5. Ảnh: CNBC. |
Thị trường chứng khoán tiếp tục bầu không khí ảm đạm khi cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày thứ 2 tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã không thể đạt được thỏa thuận chung. Một số nhà đầu tư cho rằng nếu có sự im lặng trong các vấn đề trần nợ, thì điều đó có nghĩa là cuộc đàm phán vẫn đang “bế tắc”.
Toàn thị trường đều đang tập trung vào cuộc đàm phán trần nợ và hy vọng rằng sẽ có một thỏa thuận chung kịp thời, bởi theo cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ, chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa sẽ đến hạn chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất.
Nới lỏng mức trần nợ cần có sự đồng thuận của Thượng viện và Hạ viện, và theo giới phân tích, nếu việc đàm phán càng kéo dài, thị trường càng phải chịu nhiều sức ép. Mặt khác, lực cản trong phiên giao dịch này còn đến từ những quan điểm cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi mà một số quan chức cho rằng lạm phát vẫn còn cao và Fed cần tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ biên bản cuộc họp ngày 2-3/5 mà Fed dự kiến công bố vào ngày 24/5 để phân tích động thái lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương. Trong khi cuộc đàm phán trần nợ công vẫn chưa có những bước tiến “đột phá” mới thì những phát biểu của các quan chức Fed có tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán. Ông Neel Kashkari và ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis St. Louis, cả 2 đều nói rằng Fed cần phải tiếp tục tăng thêm lãi suất để đưa lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% đã được đề ra trước đó.
Ở một diễn biến khác, cổ phiếu Apple giảm 1,5% lúc đóng cửa phiên giao dịch sau khi thông báo vừa ký một thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD với Broadcom về việc sử dụng chip sản xuất tại Mỹ. Ngược lại, cổ phiếu Broadcom đã tăng 1,2% khi kết phiên.
Ngoài ra, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 26/5. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Fed, có nhiều ảnh hưởng đến quan điểm về lãi suất của Fed.
Có thể bạn quan tâm:
Chứng khoán Mỹ diễn biến không đồng nhất trong lúc chờ tin về trần nợ