Chứng khoán châu Á hút vốn mạnh
Một yếu tố quan trọng khác cũng khiến thị trường chứng khoán châu Á trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư toàn cầu là đà tăng điểm mạnh gần đây của một số thị trường lớn. Nói cách khác, những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ mới của ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nhật Bản đã kích thích hứng thú của giới đầu tư toàn cầu với thị trường chứng khoán châu Á.
Điển hình là thị trường chứng khoán Trung Quốc với chỉ số Shanghai Composite tăng 1,4% lên cao nhất hơn 3 năm trong hôm qua 26/11 và tăng 7,6% trong tháng 11. Chỉ số này bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 4 khi chính phủ Bắc Kinh công bố kế hoạch về chương trình kết nối chứng khoán Thượng Hải - Hong Kong.
Ngoài ra, chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng tăng gần 6% trong tháng này, chủ yếu nhờ quyết định tăng kích thích của ngân hàng trung ương trong ngày 31/10. Giới đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,7 tỷ USD cổ phiếu của Nhật Bản kể từ đầu tháng 11 tính đến ngày 24/11.
Hiện nay, dòng vốn đổ vào khối thị trường mới nổi, gồm cả những nền kinh tế mới nổi ở châu Á, đang tăng mạnh trở lại - một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư toàn cầu sẵn sàng bất chấp rủi ro (Mỹ nâng lãi suất) để kiếm lời. Trước đó, thị trường chứng khoán châu Á khá ảm đạm trong những tháng cuối mùa hè và đầu mùa thu khi dòng vốn chảy vào tăng chậm lại.
Trong tháng 11 tính đến ngày 25/11, giới đầu tư đã rót ròng 6,3 tỷ USD vào thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi châu Á sau khi đã rút ròng 2,4 tỷ USD trong tháng 10, theo số liệu của Viện Tài chính quốc tế (IIF).
Tuy nhiên, các chuyên gia tại IIF cho rằng, giới đầu tư chứng khoán đang đánh giá thấp khả năng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, các nhà hoạch định chính sách vẫn duy trì quan điểm thận trọng và kiên trì trong vấn đề nâng lãi suất.
Một trong những lo ngại lớn nhất của thị trường hiện nay là, dòng vốn chảy vào các nền kinh tế rủi ro cao sẽ giảm mạnh khi Mỹ nâng lãi suất. Tuy nhiên theo dự báo của một số chuyên gia, làn sóng bán tháo cổ phiếu này sẽ không lớn như thời điểm Fed tuyên bố sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng vào mùa xuân năm 2013.
Theo chiến lược gia về chứng khoán Devendra Joshi tại HSBC, rất có thể sẽ xảy ra tình huống như tháng 6/2004 khi Fed nâng một loạt lãi suất chủ chốt, khiến hệ số P/E của các chỉ số chứng khoán chuẩn tại châu Á lao dốc liên tục trong 6 tháng. Sau đó, các thị trường tại châu Á phải mất hơn 2 năm để phục hồi lại định giá cổ phiếu trong khu vực.
Nới lỏng nguồn cung tiền tại châu Á cũng đồng nghĩa với việc giới đầu tư cần phải theo dõi sát sao tốc độ tăng trưởng tín dụng, đặc biệt ở Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á, theo nhận định của một số chuyên gia. Nợ trên bảng cân đối ngân sách có thể là yếu tố hạn chế đà tăng của thị trường chứng khoán.
Tính đến thời điểm hiện tại của năm nay, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, đã tăng 3,9%, vượt mức tăng 3,5% của năm ngoái nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,8% của S&P 500.
Nguồn DVO/ Wall Street Journal