Thứ Tư | 20/11/2013 13:51

Chứng khoán chạm mốc cao kỷ lục cho thấy thị trường thiếu cơ hội đầu tư

Về mặt dài hạn, một khi vượt qua mốc kỷ lục, thị trường chứng khoán vẫn có thể tiếp tục tăng.
Sáng thứ hai (18/1) chứng khoán Mỹ tăng vọt, vượt qua rào cản tâm lý đưa chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt mốc 16000 điểm và chỉ số Standard & Poor 500 vượt ngưỡng 1800.

Bản thân các con số trên không quan trọng. Sau khi được điều chỉnh lạm phát, chứng khoán vẫn thấp hơn mức đỉnh được xác lập vào đầu thập kỷ này. Các chỉ số chứng khoán giảm nhẹ khi chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ và chỉ số S&P 500 đảo ngược chiều tăng và giảm sau khi đóng cửa.

Tuy nhiên một chuỗi số 0 dễ nhớ (16000 và 1800) không tạo ra một mốc mới nào cho thị trường chứng khoán vốn đã tăng hơn 160% kể từ khi chạm đáy vào tháng 3/2009. Những con số này có thể thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu tham gia vào thị trường chứng khoán tại thời điểm này thì đã muộn và giá cổ phiếu đã không còn rẻ như một vài năm trước đây .

Jeffrey Kleintop, chuyên gia chiến lược thị trường của LPL Financial cho biết, "Con số 16000 của chỉ số Dow Jones không có ý nghĩa gì đặc biệt. Tuy nhiên nó tạo ra một xu hướng hành vi khiến các nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường chứng khoán. Những con số đó là tín hiệu hướng tới mọi người với thông điệp: "Đừng bỏ lỡ cơ hội này, nhiều người hiện đứng ngoài cuộc chơi chứng khoán có thể sẽ bắt đầu mua cổ phiếu."

Khi mọi người mở tài khoản tại quỹ hưu trí (401 (k)) và quỹ tương hỗ, các hệ số tài chính đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Nguyên nhân không phải chỉ vì lợi nhuận của các doanh nghiệp gần đây tăng mạnh mà còn do việc tính toán lợi nhuận cổ phiếu 5 năm không bao gồm những hệ số tài chính của năm 2008 – năm khủng hoảng tài chính. Điều này giải thích một phần lý do tại sao cổ phiếu của các quỹ tương hỗ gần đây chỉ tăng vừa phải.

Trong khi các nhà đầu tư cá nhân thường ít tin tưởng vào sự ổn định của thị trường chứng khoán, nhiều chuyên gia phân tích chứng khoán chuyên nghiệp cho rằng việc đầu tư vào cổ phiếu hấp dẫn hơn so với trái phiếu. Hiện nay ý kiến này vẫn đang phổ biến, cùng với một số dự báo giá cổ phiếu sẽ tăng.

"Đừng chống lại Fed" là một trong những câu nói phổ biến và lâu đời nhất trên thị trường phố Wall", theo David A. Rosenberg, chuyên gia kinh tế của Gluskin Sheff. Ông Rosenberg cho rằng bảng cân đối kế toán của Cục dự trữ liên bang (Fed) đang phình to liên quan chặt chẽ với sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ và các quan chức Fed có chủ ý khuyến khích các nhà đầu tư mua cổ phiếu .

Ông Rosenberg, được gọi là một "permabear" do thường đưa các dự đoán bi quan về thị trường, cho rằng nhiều mã cổ phiếu sẽ tăng, đồng thời đưa ra các dự báo tiêu cực về triển vọng thị trường trái phiếu. "Thời kỳ trái phiếu tăng cao đã chấm dứt".

Thứ hai (18/11), lợi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ giảm xuống còn 2,67% từ mức 2,70% vào cuối thứ sáu tuần trước.

Tuy nhiên, một loạt các mô hình định giá hiện nay cho thấy giá cổ phiếu đang "tương đối" hấp dẫn - miễn là lãi suất vẫn còn ở mức rất thấp. Lợi nhuận của các doanh nghiệp đang tăng lên, nhưng không đủ nhanh để giải thích cho việc giá cổ phiếu tăng quá nhanh.

Do vậy, những thay đổi của thị trường trái phiếu là dấu hiệu cực kỳ quan trọng đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm sau bài phát biểu của bà Janet L. Yellen trong tuần trước về việc Fed sẽ tiếp tục duy trì chương trình nới lỏng định lượng (QE) nếu tăng trưởng kinh tế vẫn còn yếu.

Nhiều chuyên gia phân tích cho biết, khả năng kinh tế tăng trưởng mạnh và Fed cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng trị giá 85 tỷ USD sẽ không diễn ra trong vài tháng tới.

Một số nhà phân tích tin là chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên nhưng không chắc chắn lắm về điều này. Matt Paschke, giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Leuthold Weeden Capital Management, cho biết mặc dù chứng khoán tăng trong một thời gian dài, công ty của ông vẫn "thận trọng một cách lạc quan" do thị trường lãi suất cố định không được hấp dẫn lắm.

Ông Paschke cho biết "Hiện nay có hai trường phái về định giá cổ phiếu. Một trường phái cho rằng chúng ta chỉ nên mua cổ phiếu khi giá còn đang rẻ. Trường phái khác lại nói tôi cần phải đầu tư tiền của mình vào đâu đó, nhưng đâu là nơi tôi nên đầu tư vào? Nếu chúng ta nhìn nhận việc đầu tư theo cách đó, cổ phiếu sẽ chỉ là cuộc chơi duy nhất của các nhà đầu tư. Cách nghĩ như vậy cũng khiến cho chúng ta và một số nhà đầu tư có hành vi tương tự như nhau trong một khoảng thời gian lâu hơn bởi vì chúng ta không còn chỗ đầu tư nào khác (ngoài thị trường chứng khoán)."

Xét về khía cạnh định giá, thị trường chứng khoán không có gì đặc biệt hấp dẫn. Mặc dù thị trường chứng khoán chưa tiến tới bờ vực bong bóng tài chính, các cổ phiếu trong danh sách S&P 500 hiện nay khá đa dạng về giá.

Ông Paschke nói “Nếu các nhà đầu tư chứng khoán tin rằng Fed sẽ sớm thay đổi chính sách của mình (cắt giảm gói QE), lợi suất trái phiếu sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. Xét cho cùng, đây chỉ là sự rút lui của các nhà đầu tư ra khỏi thị trường chứng khoán”

Hôm thứ hai (18/11), chỉ số Dow Jones chốt phiên tăng 14,32 điểm, tương đương 0,09%, lên 15976,02, trong khi S&P 500 giảm 6,65 điểm, tương đương 0,37%, xuống 1791,53. Chỉ số Nasdaq giảm 36,90 điểm, tương đương 0,93% xuống 3949,07 .

Tim Hayes, giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu của Ned Davis Research, cho biết ông hy vọng thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục đà tăng trong vài tháng tới. Tuy nhiên, ông nói "Do cổ phiếu được định giá cao hơn giá trị hợp lý và môi trường tài chính đang trở nên kém thuận lợi, nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi lớn trên thị trường chứng khoán trong năm tới"

Ông Hayes cũng cho biết, về mặt dài hạn, một khi vượt qua mốc kỷ lục, thị trường chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Ông Kleintop cho rằng, để thị trường chứng khoán tiếp tục tăng thì "nền kinh tế phải phát triển nhanh hơn một chút". Ông nói "Tôi nghĩ là kinh tế Mỹ vẫn có thể tăng trưởng nhanh hơn".

Tuy nhiên, nếu tại thời điểm này các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán, cổ phiếu có thể sẽ giảm ngay 10%-15%. Một phần là do thị trường chứng khoán đã hết đà tăng.

"Thật không may nếu những nhà đầu tư đứng ngoài cuộc chơi cổ phiếu nhận thấy đà tăng của chứng khoán, quyết định tham gia và chịu thua lỗ. Không ai muốn điều đó xảy ra, nhưng chúng ta cần phải biết điều này vẫn có khả năng xảy ra", ông Kleintop nói.

Nguồn Dân Việt/Bloomberg


Sự kiện