Chủ Nhật | 13/07/2014 08:08

Chung kết World Cup 2014: Đối đầu Đức - Argentina dưới góc nhìn kinh tế

Trên sân chơi kinh tế, dường như Đức đã giành phần thắng. Còn trên sân cỏ rạng sáng mai, chỉ có trái bóng Brazuca mới có quyền "phân xử".
Trận chung kết World Cup đã được ấn định: Argentina gặp Đức trong trận đấu sẽ diễn ra vào rạng sáng thứ 2 trên sân vận động Maracana, Rio de Janeiro (Brazil).

Giới đam mê trái bóng tròn có thể biết về những thống kê, tỷ lệ đặt cược và những cầu thủ trong đội hình xuất phát, nhưng hãy thử nhìn cuộc đối đầu lịch sử của trận chung kết sắp diễn ra không phải trên sân cỏ, mà qua lăng kính của những con số kinh tế.

Argentina và Đức là cuộc đối đầu giữa một nền kinh tế mới nổi đang đứng trên bờ vực vỡ nợ và nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phát triển ổn định nhưng chậm chạp. Có thể thấy Argentina nằm ở "cửa dưới" nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chắc chắn Đức sẽ giành chiến thắng.

Hãy cùng xem đội nào sẽ thắng dựa trên các chỉ số kinh tế chính.

Thị trường chứng khoán: Gọi tên Argentina

Trong năm nay, Argentina trở thành thị trường chứng khoán dẫn đầu với tốc độ tăng điểm đáng kinh ngạc - tăng hơn 60% trong năm 2014.

Trong khi con số đó tại Đức chỉ hơn 1%.

So sánh diễn biến trên thị trường chứng khoán của Argentina và Đức - Nguồn: CNN.
So sánh diễn biến trên thị trường chứng khoán của Argentina và Đức - Nguồn: CNN.

Sự chênh lệch trên thậm chí còn lớn hơn nếu quan sát diễn biến thị trường chứng khoán kể từ khi World Cup khai mạc vào ngày 12/6. Trong khoảng thời gian 1 tháng diễn ra ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, chứng khoán Argentina đã tăng 7% trong khi chứng khoán Đức giảm điểm.

Theo Goldman Sachs, đội vô địch tại World Cup có thể tạo hưng phấn cho thị trường chứng khoán trong một gian ngắn. Thị trường chứng khoán tại nước có đội thua trong trận chung kết sẽ có xu hướng giảm điểm.

Sức khỏe nền kinh tế: Đức mới là đội chiến thắng

Dưới bất kỳ công cụ đo lường nào, kinh tế Đức luôn mạnh hơn rất nhiều so với Argentina. Theo những số liệu mới nhất, nền kinh tế Đức đang tăng trưởng với tốc độ 2,3%/năm và tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức thấp.

Ngược lại, Argentina lại có tăng trưởng yếu và lạm phát cao. Theo số liệu thống kê chính thức do Chính phủ Argentina công bố, tỷ lệ lạm phát của nước này rơi vào khoảng 15%/năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, con số thực tế còn cao gấp đôi. Với tỷ lệ lạm phát cao như vậy, người dân Argentina đang phải trả nhiều hơn để mua mọi thứ, từ gas cho đến hàng tạp hóa, trong khi tiền lương không theo kịp tốc độ tăng giá cả chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, không phải chỉ có toàn màu hồng đối với kinh tế Đức. Bộ Kinh tế của nước này đã ra cảnh báo tăng trưởng trong quý II đã chậm lại nhiều do thiếu động lực tăng trưởng trong mùa xuân, cũng như ảnh hưởng bắt đầu lan tỏa từ khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine.

Đáng ngạc nhiên là tỷ lệ thất nghiệp tại Đức và Argentina lại tương đương nhau. Tại Đức, tỷ lệ thất nghiệp gần xấp xỉ 7% và tỷ lệ trên cũng chỉ cao hơn đôi chút tại Argentina, ít nhất là theo số liệu thống kê chính thức của nước này.

Trái phiếu: Vẫn là Đức
Không cần những số liệu thống kê quá tỉ mỉ, chắc chắn Argentina sẽ là "đội" thua cuộc. Đất nước Nam Mỹ đang đứng trên bờ vực vỡ nợ, nếu xảy ra đây sẽ là lần thứ hai sau lần tuyên bố vỡ nợ trong năm 2000. Trong khi vòng chung kết World Cup đang diễn ra, Bộ trưởng Kinh tế nước này còn đang "bận rộn" ở New York để đàm phán với các chủ nợ (các quỹ đầu tư) về số tiền và thời hạn thanh toán.

Theo thông tin mới nhất, cho đến tận hôm qua 11/7, tức chỉ hơn 24h trước trận chung kết World Cup, cuộc gặp của các quan chức của Argentina và nhóm các chủ nợ với ông Daniel Pollack (luật sư được Tòa án Mỹ chỉ định) đã kết thúc mà chưa tìm ra được tiếng nói chung để tránh cho Buenos Aires lâm vào kịch bản vỡ nợ.

Nếu không có gì thay đổi, Argentina sẽ phải trả các khoản nợ vào hạn chót vào cuối tháng 7 này. Mà dường như, việc thắng hay thua của Argentina tại World Cup không hề ảnh hưởng đến mong muốn được trả tiền của các quỹ đầu tư chủ nợ.

Trong khi tín dụng của Argentina hiện đang được đánh giá ở mức "trái phiếu rác" thì Đức vẫn duy trì xếp hạng Aaa theo đánh giá của Moody's.

Thực ra, sự ảnh hưởng của kinh tế đến màn trình diễn của các đội tuyển tại World Cup vẫn đang là chủ đề tranh luận sôi nổi. Trong cuốn sách "Soccernomics", cây bút chuyên viết về thể thao Simon Kuper và nhà kinh tế học Stefan Szymanski đã đưa ra kết luận cho rằng: các quốc gia nghèo thường vướng phải nhiều khó khăn khi thi đấu mà nguyên nhân do cầu thủ có trạng thái dinh dưỡng và thể lực kém hơn đối thủ đến từ các nước giàu và do đội bóng cũng không nhận được tài trợ đủ tốt.

Gafin
Chỉ có trái bóng Brazuca mới có thể cho thế giới câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: Đội tuyển nào sẽ trở thành vua của môn thể thao vua trong năm nay, Đức hay Argentina?

Cuộc đấu trên sân cỏ: Hãy để Brazuca trả lời

Không thể phủ nhận có những chênh lệch lớn về mặt kinh tế giữa Đức và Argentina, nhưng đó sẽ không phải yếu tố quyết định trong trận đấu lớn sẽ diễn ra tối nay - rạng sáng mai.

Có thể nói Đức đã chiến thắng thuyết phục trên "sân chơi" kinh tế nhưng trên sân cỏ mọi chuyện hoàn toàn khác.

Rạng sáng mai, Đức và Argentina sẽ ra sân với 50% cơ hội chiến thắng chia đều cho cả hai. Nhưng nếu có ai đó, vì thua thiệt về mặt kinh tế mà lo rằng Argentina ở cửa dưới thì hãy đừng quên rằng trái bóng tròn luôn mang đến sự bất ngờ - điều làm nên sức hút cho môn thể thao vua trên khắp thế giới suốt hơn 150 năm qua.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện