Thứ Bảy | 22/12/2012 12:51

Chưa hết "bờ vực tài khóa", Mỹ đối mặt tiếp với đình công cảng

15 cảng của Mỹ, từ Massachusetts tới Texas - bao gồm cả New York và New Jersey đang có nguy cơ bị tê liệt do đình công.
Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Hiệp hội bốc dỡ hàng hóa quốc tế (ILA) và Liên minh hàng hải Mỹ đại diện cho những người lao động đã kết thúc vào đầu tuần này mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Tương tự như thỏa thuận để ngăn chặn "bờ vực tài khóa", thời hạn cho thỏa thuận giữa 2 bên về các khoản thanh toán cho người lao động dựa theo trọng lượng của hàng hóa chứa trong container sẽ kết thúc vào ngày 29/12.

Nếu thỏa thuận không đạt được, có khoảng 14.500 công nhân thuộc 15 cảng, bao gồm cả 4.000 công nhân ở New York và New Jersey có thể bị mất việc làm vào ngày 30/12.

"Chúng tôi hiểu tác động của các cuộc đình công nhưng ILA có nghĩa vụ đại diện cho công nhân, những người làm việc trong hoàn cảnh nguy hiểm tới tính mạng", phát ngôn viên hiệp hội ILA James McNamara cho biết.

"Các cuộc đình công có ảnh hưởng tiêu cực tới không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực vận chuyển mà còn cho các doanh nghiệp bán lẻ hoặc bán buôn", giám đốc điều hành Seaspan Corporation, ông Gerry Wang cho biết.

"Chúng tôi sẽ chuyển hàng đến các cảng ở bờ biển phía Đông hoặc thậm chí dùng xe lửa để chuyển hàng. Nếu các cuộc đình công kéo dài, các hãng tàu sẽ phải thay đổi lộ trình để tránh thiệt hại", ông Wang nói thêm.

New York-New Jersey là cảng tiếp nhận hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc lớn thứ 2 đồng thời là cảng lớn nhất ở bờ biển phía Đông. "New York và New Jersey tiếp nhận khoảng 10% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 69% hàng nhập khẩu Israel và 37% hàng nhập khẩu từ Italia. Hàng hóa được nhập từ những quốc gia này chủ yếu là đồ gỗ, nhựa, hàng may mặc, đồ uống và hóa chất. Trong năm 2011, cảng New York-New Jersey đã tiếp nhận 208 tỷ USD hàng hóa ở bờ biển phía Đông.

Trước đó, vào đầu tháng này, khoảng 10.000 nhân viên, thành viên của nghiệp đoàn bốc dỡ hàng hóa International Longshore and Warehouse Union (ILWU), đã tập trung bên ngoài hai cảng Los Angeles và Long Beach để biểu tình và ngăn không cho các công nhân khác vào cảng làm việc. Cuộc đình công đã khiến 10 trong số 14 cửa bốc dỡ container tại hai cảng không thể hoạt động.

Nguyên nhân bùng phát đình công là do những công nhân từ ILWU phàn nàn rằng họ không được ký hợp đồng làm việc trong suốt hơn 2 năm qua. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa những người lao động và giới chủ cảng đã bị đổ vỡ hôm 28/11.

ILWU lên tiếng cáo buộc giới quản lý cảng đã tìm cách sa thải các lao động trong nước và thuê các lao động nước ngoài, những người yêu cầu mức lương thấp hơn và nhận được phúc lợi thấp hơn.

Ước tính cuộc đình công khiến kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày. Giám đốc điều hành (CEO) của Liên đoàn bán lẻ quốc gia (NRF) Matthew Shay đã yêu cầu Nhà Trắng can thiệp để đàm phán hợp đồng cho người lao động.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện