Thứ Sáu | 23/08/2013 20:24

"Chú voi" của châu Á sa lầy

Kinh tế Ấn Độ đang đứng ở cột mốc quan trọng nhất kể từ năm 1991 – thời điểm Ấn Độ phải đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh toán.
Tháng 5 vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ phát đi tín hiệu có thể sớm thu hẹp chương trình mua trái phiếu vốn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh nhà đầu tư toàn cầu buộc phải điều chỉnh theo một thế giới hoàn toàn không có "tiền siêu rẻ", dòng vốn ở các nền kinh tế mới nổi bị chao đảo rất mạnh. Từ Brazil đến Indonesia, các đồng tiền và cổ phiếu đồng loạt lao dốc. Trong số ấy, Ấn Độ chính là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cách đây không lâu, Ấn Độ được coi là một "phép màu kinh tế". Năm 2008, Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định 8 - 9% là tốc độ tăng trưởng mới của đất nước này. Thậm chí, ông còn dự báo "nghèo đói, bệnh tật và thiếu hiểu biết" - số phận của hàng triệu người dân Ấn Độ trong nhiều thế kỷ - sẽ sớm chấm dứt.

Ngày nay, Thủ tướng Singh đã phải thừa nhận triển vọng nền kinh tế Ấn Độ là rất mờ mịt. Đồng rupee giảm 13% chỉ trong 3 tháng trong khi giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán (tính bằng đồng USD) giảm gần 1/4. Lãi suất cho vay ngang bằng với mức tại thời điểm Lehman Brothers sụp đổ. Các cổ phiếu ngân hàng lao dốc thảm hại.

Ấn Độ

Ngày 14/8, Ấn Độ quyết định thắt chặt kiểm soát vốn trong nỗ lực ngăn chặn hiện tượng dòng vốn bị chính người dân Ấn Độ rút ra ồ ạt. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoảng sợ, lo ngại tiền của họ bị "đóng băng". Giờ đây, rủi ro có thể xảy ra theo kịch bản: thị trường hoảng loạn khiến đồng rupee giảm sâu hơn và đẩy lạm phát lên cao.

Khó khăn đến từ bên ngoài

Phần lớn các rắc rối của Ấn Độ xuất phát từ các lực đẩy bên ngoài và do đó vượt quá tầm kiểm soát của quốc gia này. Tuy nhiên, chúng cũng là hệ quả của việc bỏ lỡ cơ hội có một không hai.
Trong suốt thời kỳ 2003 - 2008, khi Ấn Độ có thể dễ dàng đưa ra các biện pháp cải cách, chính phủ nước này đã thất bại trong việc tự do hóa thị trường lao động, năng lượng và bất động sản. Cơ sở hạ tầng cũng không được cải thiện đầy đủ trong khi nạn tham nhũng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Dòng vốn đầu tư vào các công ty tư nhân sụt giảm mạnh. Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ giảm xuống còn 4 - 5% - bằng một nửa so với thời kỳ bùng nổ. Ở mức 10%, lạm phát tồi tệ hơn so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Các tỷ phú - đã từng ca tụng sự phát triển vượt bậc của Ấn Độ - giờ đây lại đưa ra lời cảnh báo về sự bất ổn trong xã hội.

Không chỉ "giết chết" giấc mơ về một cuộc sống thịnh vượng của 1,2 tỷ người dân, cải cách thất bại cũng phá hủy đồng rupee. Luật lao động còn nhiều hạn chế và cơ sở hạ tầng yếu kém khiến các doanh nghiệp xuất khẩu không thể phát triển. Do lạm phát, người dân Ấn Độ phải nhập khẩu vàng để bảo vệ tài sản tiết kiệm của họ. Các nhân tố này khiến thâm hụt cán cân vãng lai tăng mạnh và thâm hụt phải được bù đắp bằng dòng vốn nước ngoài. Trong năm tới, Ấn Độ cần thu hút được 250 tỷ USD - cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi vốn dễ bị tổn thương.

Cách đây 1 năm, tân Bộ trưởng Tài chính của Ấn Độ - Palaniappan Chidambaram - đã cố gắng khởi động lại nền kinh tế. Ông muốn thúc đẩy cải cách, gỡ bỏ các nút thắt và giúp đỡ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Chidambaram vấp phải nhiều ý kiến phản đối trong khi các rào cản đối với tăng trưởng (như thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy điện) vẫn tồn tại. Các doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy không có gì thay đổi. Nợ xấu của các ngân hàng trực thuộc nhà nước tăng chóng mặt, lên khoảng 10 - 12% tổng dư nợ.

Hãy thôi nói chuyện vớ vẩn!

Ấn Độ.

Để ngăn chặn khủng hoảng, việc đầu tiên mà chính phủ Ấn Độ phải làm là ngừng làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Họ phải chấp nhận sự thực rằng 2013 không phải 1991. Trong quá khứ, Ấn Độ gần như đã tự phá sản để bảo vệ chế độ tỷ giá hối đoái cố định. Giờ đây, đồng rupee đã được thả nổi. Đồng nội tệ yếu hơn sẽ khiến một vài doanh nghiệp đổ vỡ do gánh nặng nợ nướng ngoài và điều này không trực tiếp đe dọa đến khả năng trả nợ của chính phủ.

Do đó, ngân hàng trung ương Ấn Độ phải để đồng rupee tự tìm ra mức giá hợp lý. Cơ quan này cần phải kiểm soát lạm phát chặt chẽ thay vì cố gắng kiểm soát một trong những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới.

Thứ hai, chính phủ Ấn Độ phải ổn định lại tài khóa. Trong những năm gần đây, thâm hụt ngân sách luôn ở mức khoảng 10% GDP. Chính phủ phải giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 7%. Mặc dù một vài bước đã được thực hiện, tốc độ cần được đẩy nhanh hơn nữa. Dẫu vậy, những biện pháp trên là chưa đủ. Hiện nay, chỉ 3% người dân Ấn Độ đóng thuế thu nhập.

Cuối cùng, chính phủ nước này nên buộc các ngân hàng tái cấu trúc. Năm 2009, Mỹ đã thực hiện các cuộc kiểm tra khả năng đối mặt với khủng hoảng của các ngân hàng để cải tổ chúng. Đây là bài học hay cho Ấn Độ. Bơm thêm tiền vào các ngân hàng có thể khiến thâm hụt ngân sách tăng lên, nhưng niềm tin tăng lên là điều quan trọng hơn.

Ấn Độ vẫn có một vài tia hi vọng: xuất khẩu đã tăng trong tháng 7, thâm hụt thương mại được thu hẹp. Tuy nhiên, Ấn Độ đối mặt với một năm đầy khó khăn với thị trường toàn cầu không thuận lợi và cuộc bầu cử ở trước mặt. Kể cả khi những nhân tố trên thuận lợi, chính phủ tiếp theo phải làm rất nhiều điều để có thể thay đổi Ấn Độ. Hàng chục triệu người trẻ tuổi phải có được việc làm và tạo nên tăng trưởng và sau đó là tạo ra việc làm sẽ là yếu tố sống còn để thoát khỏi tình trạng hiện nay. Ấn Độ cần cải cách toàn diện các khu vực vốn được bảo hộ, phá bỏ độc quyền nhà nước (từ than đá đến đường sắt), cải cách luật lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Cuộc khủng hoảng năm 1991 đã dẫn đến nhiều cải cách giúp chấm dứt nhiều thập kỷ trì trệ và tạo ra tăng trưởng vượt bậc. Những khó khăn của năm 2013 cũng có thể tạo nên điều tương tự, nhưng chỉ khi Ấn Độ thực sự có quyết tâm.

Nguồn CafeF


Sự kiện