Thứ Năm | 31/07/2014 16:04

Chu Vĩnh Khang và cơn dư chấn truyền thông

Báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin việc chính phủ Trung Quốc chính thức điều tra cựu ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.
Chiều 29/7, Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức tuyên bố lập án điều tra tham nhũng đối với ông Chu VĨnh Khang – nguyên Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông Chu Vĩnh Khang là cựu quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc bị điều tra trong thời gian gần đây.

Vụ án đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông cả trong nước và quốc tế. Bài bình luận trên Tân Hoa xã có đoạn viết: “Việc tuyên bố điều tra đối với cựu ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang cho thấy quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm làm trong sạch nội bộ với sự kiểm điểm nghiêm khắc”. Tờ báo nhấn mạnh, không có ủy viên Bộ chính trị nào có thể đứng ngoài luật pháp và nguyên tắc kỷ luật.

Tờ Nhân dân nhật báo trong khi đó cũng đề cao nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tờ báo cho biết, cuộc điều tra đã xua tan đồn đoán rằng Bộ Chính trị Trung Quốc “được miễn trừ trừng phạt”. Nhân dân nhật báo cũng so sánh ngôn ngữ sử dụng khi viết về cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và ông Chu Vĩnh Khang. Nếu ông Bạc vẫn được gọi là “đồng chí”, song không được dùng với ông Chu. Giáo sư viện nghiên cứu quản trị, ông Ren Jianming, cho rằng, điều này cho thấy “quá trình điều tra đã hoàn tất”. “Ông ấy sẽ bị khai trừ khỏi Đảng do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, chuyên gia Jianming nói.

Tờ China Daily viết, nhiều người nghi ngờ ông Tập Cận Bình và đồng nghiệp sẽ không sẵn sàng thực hiện một bước đi chính trị rủi ro vì ông Chu từng là một trong những nhân vật hàng đầu trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước”, nhưng cuối cùng họ đã làm.

Thời báo Hoàn cầu đưa tin, Bộ Chính trị Trung Quốc thông báo sẽ triệu tập Hội nghị Trung ương 4 khoá 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, và chỉ vài giờ sau đó cơ quan điều tra tuyên bố điều tra đối với ông Chu Vĩnh Khang. Tờ báo bình luận thêm, Hội nghị có thể coi là cơ hội để khẳng định lại hướng chính sách của chính quyền Tập Cận Bình.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các nhà phân tích khẳng định đây là cơ hội tốt để Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố thông điệp “không có chuyện các quan chức dùng quyền lực và các công ty nhà nước để trục lợi”.

Về phía báo chí nước ngoài, Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin độc quyền cho biết 2 cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân bật đèn xanh để ông Tập Cận Bình mở cuộc điều tra “con hổ bất khả xâm phạm” Chu Vĩnh Khang. Do đó, sẽ không có rạn nứt trong nội bộ đảng.

Reuters và tờ The New York Times lần đầu tiên đưa tin Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra vào cuối năm 2013, khiến thông tin lan truyền nhanh chóng dù chính quyền vẫn im hơi lặng tiếng.

Trang tin Đa chiều bình luận, điều tra Chu Vĩnh Khang là bước đi ẩn chứa nhiều nguy cơ bởi người đàn ông từng được mệnh danh là quyền lực thứ ba Trung Quốc này nắm quyền kiểm soát ngành an ninh, tòa án, kiểm sát trong thời gian dài nên biết không ít bí mật. Việc này giải thích tại sao các đồng minh của họ Chu phải bị loại bỏ trước khi có quyết định công khai điều tra, buộc tội ông.

Bình luận về việc tại sao Trung Quốc quyết đưa vụ Chu Vĩnh Khang ra ánh sáng, tờ Thời báo phố Wall cho rằng: “Không nghi nghờ gì đây là một cuộc chiến chính trị, nhưng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình mang mục đích khác, trong đó có việc tạo dựng hình ảnh của một nhân vật chính trị quyền lực và đẩy mạnh cải cách. Cũng theo tờ báo này, có thể sau ông Chu Vĩnh Khang, Trung Quốc sẽ chưa vội “đả” tiếp quan chức nào, mà có thể chờ đến nhiệm kỳ 2 của ông Tập Cận Bình.

Nguồn Theo DVO/WSj, BBC, Reuters


Sự kiện