Thứ Hai | 26/05/2014 16:41

Chủ tịch IMF kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngân hàng trung ương

Trong khi Fed tranh luận về thời điểm tăng lãi suất thì IMF lại kêu gọi các ngân hàng trung ương hợp tác chặt chẽ trong những bước chuyển về chính sách.
Ngày 25/5, Diễn đàn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về ngân hàng trung ương đã diễn ra tại Sintra, Bồ Đào Nha. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đề cao vai trò và lợi ích tiềm năng của sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngân hàng trung ương, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng hiện nay. Bà Lagarde cho rằng, sự hợp tác, về cơ bản, sẽ làm giảm đáng kể rủi ro hệ quả từ những tác động quốc tế lớn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Anh dự đoán sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong năm 2015. Quyết định cắt giảm gói nới lỏng định lượng trong năm 2013 của Fed đã đẩy các thị trường mới nổi vào khủng hoảng, khiến thị trường tiền tệ và chứng khoán Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh. Điều này càng làm rõ hơn tác động của Fed đến thị trường toàn cầu.

Khối các thị trường mới nổi đang thúc giục các ngân hàng trung ương nâng cao hơn nữa sự minh bạch trong chính sách. Raghuram Rajan tại Ngân hàng trung ương Ấn Độ - một trong những người lên tiếng rất mạnh mẽ về vấn đề này - kêu gọi cần chú trọng hơn nữa vào việc xem xét chính sách của ngân hàng trung ương tác động thế nào đến các nước khác.

Bà Lagarde nhận định, việc hợp tác chính sách dường như không còn sức hấp dẫn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dịu bớt, kinh tế toàn cầu đang tạo được bước ngoặt mới trong khi những lợi ích từ việc hợp tác chính sách lại không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, chính sự không chắc chắn này lại khiến các nhà hoạch định chính sách coi nhẹ lợi ích của việc hợp tác trong thế giới hậu khủng hoảng.

Theo bà Lagarde, việc hợp tác trong chính sách đã giúp ngăn chặn sự đổ vỡ của thị trường tài chính toàn cầu. Bà cũng đưa ra ví dụ về việc một số nước lớn trên thế giới đã đồng loạt cắt giảm lãi suất vào thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng hay các thỏa thuận hoán đổi mà Fed đã thiết lập với các ngân hàng trung ương lớn khác.

Điều này cho thấy, hợp tác chính sách tiền tệ không phải là cách duy nhất để hạn chế rủi ro tài chính. Chủ tịch IMF cũng cho rằng, các thị trường mới nổi nói riêng và tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung, cần phải giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế, đồng thời, củng cố khuôn khổ kinh tế vĩ mô và tài chính.

Nguồn Theo DVO/CNBC


Sự kiện