Chủ tịch Fed đang hết dần kiên nhẫn
Khi Chủ tịch Fed hôm thứ Tư 6/5 cho rằng chứng khoán bị đánh giá quá cao và lợi tức trái phiếu quá thấp, điều này đánh tín hiệu rằng giới đầu tư không nên tiếp tục kỳ vọng vào chính sách đồng USD giá rẻ của Fed.
Nhưng sau phản ứng tự động trước cảnh báo này, 2 ngày sau đó Wall Street (Phố Wall) đã trở lại gần mức kỷ lục và lợi tức trái phiếu thậm chí xuống thấp hơn trước thời điểm tuyên bố của bà Yellen.
Đâu là lý do? Báo cáo việc làm tháng 4 công bố hôm thứ Sáu 8/5 cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn quãng đường dài phải đi để đáp ứng những tiêu chí của Fed để có thể lần đầu tiên nâng lãi suất sau nhiều thập kỷ. Và điều đó đồng nghĩa rằng vẫn còn nguồn tiền giá rẻ dành cho giới đầu tư.
Khi bà Yellen trở thành Chủ tịch Fed 15 năm trước, con đường phía trước dường như khá rõ nét: Kết thúc chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ của người tiền nhiệm, ông Ben Bernanke, vào tháng 10/2014 và sau đó khoảng 6 tháng bắt đầu nâng lãi suất.
Đó là con đường tiến đến “bình thường hóa”, kết thúc chính sách tiền tệ thời khủng hoảng - vốn đã buộc Fed phải bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế, thậm chí với lãi suất cận 0 trong 6 năm trời.
Thời điểm bình thường hóa đang đến gần. Năm 2014, Mỹ tạo thêm hơn 3 triệu việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống sát với mục tiêu của Fed.
Lạm phát - Fed muốn đẩy lên 2% - không tăng nhưng có nhiều lý do giải thích cho việc này, như giá dầu lao dốc chẳng hạn.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ nới lỏng đang tiếp thêm sức mạnh cho giới đầu cơ chứng khoán và bất động sản trong khi tác động của chính sách này đối với tăng trưởng kinh tế bắt đầu suy giảm.
Fed một lần nữa ngụ ý rằng việc tăng lãi suất có thể bắt đầu vào giữa năm 2015. Tháng 3/2015, Fed đánh tín hiệu về việc nâng lãi suất, bằng việc loại bỏ cam kết “kiên nhẫn” khỏi tuyên bố chính sách trước số liệu tích cực về tăng trưởng kinh tế.
Nhưng từ sau đó, kiên nhẫn lại là điều Fed phải thực hiện.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại trong quý I/2015 và các thị trường coi đây là dấu hiệu cho thấy sẽ cần phải chờ lâu hơn nữa trước khi lãi suất tăng, kể cả khi Fed nhấn mạnh rằng kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại chủ yếu do những yếu tố “nhất thời” như thời tiết mùa đông khắc nghiệt.
Bà Yellen trong tuần kết thúc vào 8/5 nêu rõ bà lo ngại rằng các thị trường đã phớt lờ việc nâng lãi suất một cách quá dễ dàng và điều này có thể khiến thị trường hỗn loạn.
Trong diễn đàn kinh tế hôm thứ Tư 6/5, bàn Yellen phát biểu chứng khoán đang được định giá quá cao và đây là mối nguy tiềm tàng.
Thị trường trái phiếu cũng ẩn chứa rủi ro. “Chúng ta cần phải lưu tâm đến khả năng rằng khi Fed quyết định đã đến lúc nâng lãi suất, phần bù đắp kỳ hạn này (term premium) có thể tăng và chúng ta có thể thấy lãi suất dài hạn tăng”, bà Yellen cho biết.
Và theo báo cáo việc làm tháng 4/2015, số việc làm mới được tạo thêm khá lớn và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,4%.
Nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy mức lương tăng lên - một chỉ số mà bản thân bà Yellen tập trung vào nhằm cho thấy thị trường việc làm đang thắt chặt.
Hơn nữa, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động - chỉ số đo lường tỷ lệ phần trăm người Mỹ trong độ tuổi lao động thực sự đang làm việc hoặc tìm kiếm việc làm - vẫn chỉ đạt 62,8%, mức thấp sau cuộc khủng hoảng 2008, so với trên 66% thời kỳ trước khủng hoảng.
Điều này cho thấy hàng triệu người đã ra khỏi lực lượng lao động, chủ yếu do tình trạng khan hiếm việc làm và mức lương thấp. Và nếu lương không tăng, chi tiêu dùng và đà hồi phục kinh tế vẫn ảm đạm.
Bà Yellen rõ ràng đang “mắc kẹt” giữa nền kinh tế và các thị trường trong việc quyết định lần nâng lãi suất đầu tiên. Tuy chỉ số quan trọng nhất phải là số liệu kinh tế, song bà Yellen không thể phớt lờ bong bóng tiềm tàng trên thị trường tài sản, kể cả khi các thị trường này phớt lờ bà.
Nguồn NCĐT/B.I.