Chủ tịch Fed có thêm tín hiệu về việc tăng lãi suất
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn nâng lãi suất có thể chấm dứt trong năm nay, khi hàng loạt lãnh đạo của cơ quan này lần lượt ám chỉ rằng thời kỳ nới lỏng tiền tệ chuẩn bị kết thúc.
Bà Yellen dường như đã ngầm hòa giọng với các quan chức Fed khác vào hôm thứ Sáu (3/3), khi phát biểu của bà khiến thị trường tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất vào cuộc họp ngày 14-15/3, và có thể sẽ tăng tốc lãi suất trong năm nay.
Bà Yellen phát biểu trong một buổi tiệc trưa với các doanh nghiệp tại Chicago rằng: “Tại cuộc họp tới đây, Ủy ban sẽ đánh giá liệu việc làm và lạm phát có tiếp tục tăng trưởng theo như kì vọng của chúng tôi hay không, nếu có thì việc tăng lãi suất quỹ liên bang là thích hợp”. Bà cũng cho biết thêm: “Tiến trình thu hẹp việc nới lỏng tiền tệ sẽ không chậm như các năm 2015 và 2016”.
Chứng khoán tăng nhẹ, và các hợp đồng tương lai có gắn với kì vọng nâng lãi suất đã có biến động đôi chút sau phát biểu của bà Yellen. Những bình luận của các quan chức Fed tuần này đã đẩy kì vọng nâng lãi suất tháng 3 lên 80%.
Fed đã phải rất thận trọng suốt 3 năm qua để nâng lãi suất từ mức 0% khi mà nền kinh tế Mỹ phục hồi rất chậm sau Đại suy thoái. Các vấn đề từ lạm phát quá thấp trên toàn thế giới cho tới việc mạnh lên của đồng USD và giá năng lượng thấp khiến cơ quan này đã không thể nâng lãi suất như kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, năm 2017 sẽ là năm mà Fed có thể thực hiện được kì vọng nâng lãi suất 3 lần.
Roberto Perli, một nhà kinh tế ở Cornerstone Macro LLC cho rằng: “Lần đầu tiên trong nhiều năm tôi cho rằng rủi ro về nâng lãi suất nhiều lần lại cao hơn rủi ro nâng lãi suất ít lần hơn dự kiến”.
Một thế giới mới đầy mạo hiểm
Ngay cả những quan chức Fed thận trọng như bà Lael Brainard, người vốn đã cho rằng Fed không nên nâng lãi suất quá nhanh cho đến khi điều kiện kinh tế toàn cầu cải thiện, cũng đã cho biết có cùng quan điểm rằng điều kiện nâng lãi suất đã chín mùi.
Mức tăng trưởng của khu vực đồng Euro là 1,7% trong năm 2016, gần bằng với Mỹ (1,9%), lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh và lạm phát trong tháng 2 gần với mức mục tiêu của ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) – đó là những minh chứng thể hiện rằng khu vực đồng Euro đã thoát khỏi vòng xoáy giảm phát.
Và trong khi bà Yellen đã nhanh chóng chỉ ra rằng Fed đã tiến gần đến mục tiêu của mình là toàn dụng nhân công, và lạm phát 2% sẽ là cơ sở để cơ quan này thực hiện nâng lãi suất theo như kế hoạch, các vị quan chức khác của Fed thì cho rằng nền kinh tế có thể tăng trưởng mạnh hơn nhờ các kế hoạch của tổng thống Donald Trump đưa ra trong thời gian sắp tới.
Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer cho biết vào hôm thứ 6 rằng: “Nếu bạn quan sát những gì diễn ra trong nền kinh tế kể từ ngày 8/11/2016 cũng như các thị trường tài sản, và nếu bạn tin vào tâm lý bầy đàn, bạn sẽ nhận ra rằng hiêu ứng thịnh vượng (wealth effect) đang lan tỏa trong nền kinh tế”. Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chỉ số S&P 500 đã tăng 11%.
Sự nhất quán trong các bình luận của giới quan chức Fed dường như đã thể hiện một nỗ lực đồng thuận để điều hướng cho thị trường thích ứng với thực tế mới: nền kinh tế thế giới đang mạnh mẽ hơn, kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định, và khả năng đưa ra các kế hoạch chi tiêu tài khóa và cải cách thuế có thể thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng lên cao hơn nữa.
12 vị lãnh đạo Fed của các chi nhánh địa phương có lịch trình phát biểu của riêng mình và chịu trách nhiệm với các phát biểu đó. Nhưng họ đang cùng xem một bộ dữ liệu chung. Khi được hỏi về việc liệu Fed có đang cố tình gửi đi một thông điệp nào hay không, ông Fischer cho biết rằng: “ Nếu quả thật là có một nỗ lực cố ý như vậy, tôi sẽ ủng hộ việc này”.
Bá Ước
Nguồn Reuters