Chủ Nhật | 15/12/2013 00:03

Chú của Kim Jong-un chi phối kinh tế Triều Tiên thế nào?

"Tại Triều Tiên, Jang Song-thaek là nhân vật tiêu biểu, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách kinh tế", Giáo sư Châu Phong thuộc đại học Bắc Kinh cho biết.
JangSong-thaek (67 tuổi) được xem là một nhân vật chủ chốt ủng hộ cải cách kinh tế tại Triều Tiên. Jang cũng được cho là người có quan điểm mở cửa toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên theo mô hình Trung Quốc.
Kinh tế Triều Tiên rơi vào tình trạng hỗn loạn
Hãng thông tấn CHDCND Triều Tiên KCNA đưa tin ông Jang, 67 tuổi, bị hành quyết hôm 12/12 sau khi bị xét xử tại một tòa án quân sự đặc biệt vì tội âm mưu đảo chính hòng lật đổ Kim Jong-un.

KCNA khẳng định ông Jang “có tham vọng chính trị bẩn thỉu” từ nhiều năm trước và bắt đầu “lộ rõ bản chất” khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền và muốn kiểm soát mọi vấn đề của đất nước.

“Hắn mơ giấc mơ điên rồ là trở thành thủ tướng, giành quyền lực tối cao của đảng và nhà nước” - KCNA cho biết.

Ông Jang bị còng tay đưa tới tòa án quân sự
Ông Jang bị còng tay đưa tới tòa án quân sự
Chính quyền Bình Nhưỡng còn cáo buộc ông Jang có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động quản lý kinh tế - tài chính, “đẩy nền kinh tế của đất nước và cuộc sống người dân vào một thảm họa không thể kiểm soát”, gây tình trạng “hỗn loạn kinh tế nghiêm trọng” hồi năm 2009.
Đây là một thông tin đáng chú ý bởi là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công khai thừa nhận tình trạng kinh tế khó khăn của đất nước.
Trước vụ thanh trừng Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Triều Tiên Jang Song-thaek, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae nói với các nhà lập pháp hồi đầu tuần này rằng một số huyện kinh tế đặc biệt của Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng vì vai trò của Jang Song-thaek trong quá trình sáng tạo các chương trình cải cách kinh tế tại đây.
Hoạt động tại Ủy ban Đầu tư và các công ty liên doanh của Triều Tiên cũng rất có thể sẽ bị ảnh hưởng và tác động tới các chương trình hợp tác kinh tế với các công ty nước ngoài, như vấn đề đưa lao động Triều Tiên ra nước ngoài.
Cho Bong-hyun, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu kinh tế IBK, cho biết có một số dự án chung mà Trung Quốc đồng ý đẩy mạnh ở Triều Tiên bởi vì họ tin tưởng Jang Song-thaek.
Jang Song-seok, một nhà nghiên cứu tại viện Hòa bình và thống nhất nhận định: "Nếu điều này là đúng, vụ lật đổ Jang Song-thaek được xem như hành vi thẳng thừng ngăn chặn ảnh hưởng và can thiệp của Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên. Ngoài ra Jang Song-thaek còn là trung tâm của hợp tác kinh tế giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc".
"Tôi nghĩ rằng sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên, bởi vì mọi người đều biết Jang Song-thaek có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc và là người phụ trách các hoạt động hợp tác kinh tế Trung - Triều", Sái Kiện, một chuyên gia về Triều Tiên từ đại học Phúc Đán, Thượng Hải nhận xét.
"Các dự án phát triển chung của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên và kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với khó khăn trong một thời gian, điều này không thể tránh khỏi", Cheong Seong-chang từ Viện Sejong Hàn Quốc nói.
Người sáng tạo chương trình cải cách kinh tế ở Triều Tiên
New York Times dẫn lời Giáo sư Châu Phong thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết, Bắc Kinh coi Jang là trung gian đối thoại quan trọng và ổn định với tầng lớp lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Jang Song-thaek, là người cùng thế hệ với các lãnh đạo Trung Quốc, trong khi đó, Kim Jong-un với tuổi đời ngoài 30, chưa từng đến thăm Bắc Kinh.
"Tại Triều Tiên, Jang Song-thaek là nhân vật tiêu biểu, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách kinh tế. Trung Quốc đặt nhiều hy vọng vào Jang trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế Triều Tiên", Giáo sư Châu cho biết.
Jang được cho là người có quan điểm mở cửa toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên theo mô hình Trung Quốc và là người đứng đầu Ủy ban Đầu tư - liên doanh có nhiệm vụ thu hút vốn nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc.
Nghị trình chính trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 8/2012 của Jang là thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên, đặc biệt trong việc xây dựng các khu kinh tế đặc biệt.
Ông Jang Song-thaek (trái) bắt tay với chủ tịch kiêm tổng bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 8/2012
Ông Jang Song-thaek (trái) bắt tay với Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 8/2012
Truyền thông nhà nước Triều Tiên trong tháng 11 công bố thông tin nước này thiết lập 14 khu kinh tế đặc biệt. Mặc dù quy mô còn nhỏ, các khu kinh tế trên vẫn mang tính biểu tượng quan trọng, đánh dấu sự thành công của Jang trong việc thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế.
"Các khu kinh tế trên là thành quả của Jang Song-thaek. Nhưng có lẽ ông ấy đã đi quá xa trên con đường quyền lực", Giáo sư Châu nhận định trong bài báo của New York Times.
Đồng thời, Jang Song-thaek còn phụ trách hoạt động xuất khẩu khoáng sản của Bắc Triều Tiên mà hơn một nửa là sang Trung Quốc. Ông bị cáo buộc là bán rẻ khoáng sản cho nước ngoài.
Ông đồng thời là giám đốc của Ngân hàng Phát triển Nhà nước, Giám đốc của Tập đoàn Đầu tư quốc tế Taepung và là giám đốc của Tập đoàn Quốc tế Taesong.
Ông từng dẫn đầu nhóm thị sát kinh tế tới Hàn Quốc năm 2002 và góp công mở cửa nền kinh tế trì trệ của Triều Tiên.

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện