“Chợ đen” tài chính bùng phát, kinh tế Ukraine khủng hoảng?
Cuối tháng 11/2013, hàng trăm nghìn người Ukraine bắt đầu đổ ra đường ở thủ đô Kiev để yêu cầu Tổng thống Viktor Yanukovych từ chức sau khi ông quyết định không ký kết một hiệp định thương mại song phương với Liên minh châu Âu. Một năm sau, người ta vẫn thấy người dân Ukraine đổ ra đường, nhưng với một mục đích khác: kiếm lời từ giao dịch tiền tệ “chợ đen”.
“Bán USD đi, tôi trả giá cao hơn. Tôi trả 18 hryvnia ăn 1 USD”, một người đàn ông đang mời chào người bán bên ngoài điểm thu đổi ngoại tệ, vốn chỉ mua với giá 15,50 hryvnia đổi 1 USD. Sự nổi lên như “nấm sau mưa” của các tay giao dịch “chợ đen” kể từ khi Liên bang Soviet sụp đổ là một dấu hiệu cho thấy: một năm sau cuộc bạo động và biểu tình từng khiến 100 người thiệt mạng ở thủ đô Kiev, Ukraine một lần nữa đang trượt dài vào khủng hoảng tài chính.
Giá trị đồng nội tệ hryvnia của Ukraine đã giảm tới 50% trong năm nay, trong khi dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ đủ cho khoảng 6 tuần nhập khẩu, đồng thời sản lượng kinh tế dự kiến giảm ít nhất 7% trong năm nay. Hàng loạt khó khăn đó tiếp tục “đổ thêm dầu” vào khả năng Ukraine có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ quốc gia, đẩy lãi suất trái phiếu quốc tế mà Kiev phát hành lên mức cao kỷ lục, qua đó đặt Ukraine truớc nguy cơ phải cần đến một cuộc cứu trợ tài chính mới.
Hồi tháng 5 vừa qua, Ukraine đã thoát khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế nhờ gói cứu trợ 17 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cộng thêm 10 tỷ USD từ một số nhà tài trợ khác. Tuy nhiên, thỏa thuận tài chính này được đưa ra trước thời điểm phe ly khai ở miền Đông Ukraine châm ngòi cho một cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng trên 4.000 người. Trong bối cảnh miền Đông nước này giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất công nghiệp với các mỏ than và nhà máy thép, hoạt động xuất khẩu của Ukraine đã sụt giảm hai con số và đẩy quốc gia Đông Âu này rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng.
Bên cạnh đó, niềm tin của giới đầu tư càng bị xói mòn khi thời điểm thành lập chính phủ liên minh cầm quyền liên tục bị trì hoãn kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 26/10. Một số tín hiệu lạc quan xuất hiện cuối tuần qua khi 5 đảng có khuynh hướng “thân phương Tây” ký kết thỏa thuận liên minh, qua đó đưa phe “thân phương Tây” lần đầu tiên chiếm 2/3 đa số trong Quốc hội, con số đủ để tạo ra sự thay đổi trong hiến pháp Ukraine và đưa quốc gia này hội nhập sâu hơn vào châu Âu. Tuy nhiên, Anders Aslund, chuyên gia kinh tế hàng đầu Ukraine vẫn cảnh báo, kinh tế nước này đang trong một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và tình hình có thể xấu đi trong vòng 4 tháng tới.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi thỏa thuận chính trị nói trên được ký kết, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cho biết: “Tôi muốn gửi đến các bạn một tín hiệu mạnh mẽ về sự đoàn kết giữa Tổng thống và Thủ tướng”, song ông cũng thừa nhận, kinh tế Ukraine đã bị ảnh thưởng nặng nề do chiến tranh. Ông khẳng định, Chính phủ Ukraine đã kiếm được nhiều hơn 5% thu ngân sách so với năm 2013, cho dù sản lượng công nghiệp sụt giảm 9,4%.
Thủ tướng Yatseniuk cho biết, tân chính phủ, dự kiến sẽ được công bố trong tuần này, sẽ cam kết thúc đẩy quá trình cải cách nhằm ngăn ngừa tham nhũng và hiện đại hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian là quá gấp trong khi ngân sách Ukraine đang rất eo hẹp. Ukraine đã nhận được 8,2 tỷ USD trong gói cứu trợ tài chính của IMF và các nhà tài trợ khác, song Bộ trưởng Tài chính Oleksandr Shlapak cho hay, quốc gia này khó có thể nhận thêm tiền từ IMF trước cuối năm 2014 do sự trì hoãn thành lập chính phủ liên minh đã làm chậm việc thông qua kế hoạch ngân sách năm 2015.
Ngoài những vấn đề kể trên, Ukraine còn phải trả nợ Nga 3,1 tỷ USD tiền mua khí đốt tự nhiên để chấm dứt tình trạng Moscow cắt khí đốt, đồng thời phải thanh toán trước số khí đốt mà Nga sẽ cung cấp sau này. Nhà kinh tế trưởng tại Dragon Capital (một ngân hàng đầu tư tại Kiev), Olena Bilan cảnh báo, dự trữ ngoại tệ của Ukraine có thể tiếp tục giảm xuống chỉ còn một con số vào cuối năm nay, so với mức 12,6 tỷ USD hồi tháng 10.
Sự không chắc chắn của kinh tế Ukraine đã tạo ra sức ép lớn đối với đồng nội tệ, châm ngòi cho lạm phát (hiện ở mức 19%) và đè nặng khó khăn lên hệ thống ngân hàng. Trong một dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ với hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Trung ương Ukraine thông báo đưa 2 ngân hàng VAB và CityCommerce vào diện quản lý tài sản đặc biệt, điều có thể dẫn đến hiệu ứng domino khi sẽ có thêm nhiều ngân hàng tuyên bố vỡ nợ.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán